Thông qua quan điểm của Luật sư, các cơ quan báo chí đem đến cho người đọc những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về từng vụ việc. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình báo điện tử, các thông tin được cập nhật nhanh chóng, đa dạng, trở thành kênh thông tin giúp Luật sư nhanh chóng tiếp cận được những thông tin cần thiết để tham khảo, kiểm chứng, phân tích và tổng hợp. Báo chí là cầu nối giữa Luật sư và người dân trong xã hội hiện đại, ý kiến của Luật sư thông qua báo chí kịp thời hỗ trợ để các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những phán quyết hợp với lòng dân.
Trong thực tiễn xã hội hiện nay, vai trò của Luật sư trong hoạt động tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Trong hoạt động tố tụng vai trò Luật sư góp phần vào giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật, tránh những vụ án oan, sai, góp phần tích cực vào tiến trình cải cách tư pháp do Bộ Chính trị đề ra.
Theo quy định của Luật Luật sư, chức năng xã hội của Luật sư cụ thể hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Quá trình hành nghề Luật sư góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua nhiều nội dung tư vấn pháp luật trên báo chí. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đó Luật sư giữ vai trò đóng góp quá trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự chung tay của Nhà nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam và sự tham gia của đông đảo đội ngũ Luật sư. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua tư vấn pháp luật trên các tờ báo điện tử ở mục tư vấn pháp luật, bạn đọc hoặc mục trợ giúp pháp lý đã được các Luật sư thực hiện khá tốt ở đa dạng nhiều tờ báo được đông đảo người dân ghi nhận.
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc về việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam: “Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan”.
Để thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo, báo chí cũng cần sự hỗ trợ của các Luật sư để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cộng đồng. Thông qua quan điểm của Luật sư, các cơ quan báo chí đem đến cho người đọc những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về từng vụ việc. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình báo điện tử, các thông tin được cập nhật nhanh chóng, đa dạng, trở thành kênh thông tin giúp Luật sư nhanh chóng tiếp cận được những thông tin cần thiết để tham khảo, kiểm chứng, phân tích và tổng hợp. Báo chí là cầu nối giữa Luật sư và người dân trong xã hội hiện đại, ý kiến của Luật sư thông qua báo chí kịp thời hỗ trợ để các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những phán quyết hợp với lòng dân.
Bên cạnh đó, thông qua báo chí, các Luật sư có thể tác động tới quá trình nhận thức và tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân. Từ các hoạt động tố tụng, tư vấn của Luật sư, báo chí sẽ là phương tiện truyền tải những kiến thức pháp luật đến người dân. Người đọc có thể từ những bài báo về pháp luật nói trên rút ra những bài học và kinh nghiệm cho bản thân để nâng cao hiểu biết, thực hiện, tuân thủ quy định pháp luật tránh các trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc xảy ra.
Đứng ở góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy việc hỗ trợ giữa báo chí và quá trình làm việc của các Luật sư là hoàn toàn cần thiết và có những hiệu quả đáng kể. Trên thực tế, bản thân là một Luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên của nhiều tờ báo điện tử trên các chuyên mục Hồi âm, Trợ giúp pháp lý, Tư vấn pháp luật như báo điện tử VietNamNet (chuyên mục Bạn đọc) hay Báo Kinh tế đô thị (chuyên mục Bạn đọc), Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (Chuyên mục Tư vấn pháp lý), trang Dân Việt chuyên mục Hỏi đáp pháp luật, Chuyên trang bất động sản Café land (chuyên mục Kiến thức), VTV2 Đài truyền hình Việt Nam (chuyên mục Pháp luật Cuộc sống), Truyền hình An ninh TV,… Trong quá trình làm việc, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của báo chí giúp cho những công việc mình làm không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân mà còn góp phần giúp lan tỏa, nâng cao được những kiến thức pháp luật đến độc giả.
Tôi tin là với mối quan hệ ‘cộng hưởng’ giữa báo chí và Luật sư sẽ thúc đẩy, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, hướng đến tuân thủ pháp luật xây dựng nhà nước pháp quyền tốt hơn trong tương lai tới.
Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội