Ngày 15/12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”. Các phân tích cho thấy việc này đem lại nhiều lợi ích.
Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Bay Global Strategies, International Finance Corporation (IFC), BIDV và đại diện của các cơ quan, tổ chức, định chế tài chính của Việt Nam và nước ngoài.
Báo cáo hướng đến các mục tiêu chính: (i) Xác định những lợi ích và thách thức đối với Việt Nam khi điều chỉnh tăng giới hạn đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam; (ii) Tăng cường nhận thức về sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại Việt Nam; và (iii) Kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Thống kê từ các nguồn về cơ cấu tỷ lệ sở hữu của các ngân hàng thương mại tại thời điểm tháng 4, cho biết một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm/gần chạm trần 30% nhưng đa số có tỷ lệ thấp hơn mức trần 30%.
Qua nghiên cứu trao đổi với các chuyên gia, báo cáo nêu lên một số lợi ích có thể có từ việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, như: Giúp tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các ngân hàng; hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại trong các FTA, đặc biệt là EVFTA; tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược…
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, báo cáo rút ra một số hàm ý. Theo đó, các nước trong khu vực đã cân nhắc tích cực việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh tăng và lộ trình thực hiện có sự khác biệt giữa các nước, tùy đặc thù cụ thể và quyết tâm của từng nước. Về quản lý, cần cân nhắc thêm các biện pháp khác để điều tiết và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại, thay vì chú trọng quá mức vào giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại.
Báo cáo đưa ra một số kiến nghị cụ thể. Thứ nhất, Việt Nam cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể.
Thứ ba, Việt Nam cần cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, Việt Nam cần cân nhắc cải thiện khung pháp lý theo hướng hiện đại và mở, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.
Thứ năm, Việt Nam cần cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại trong các đề xuất (nếu có) về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, đóng góp về các nội dung trên, đặc biệt là việc nghiên cứu điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Nguồn Người Đồng Hành