Đó là câu nói tâm đắc của CEO Lê Đức Toàn, một doanh nhân đầy nhiệt huyết với thiện nguyện. Anh luôn hướng bản thân đến các giá trị cộng đồng với triết lý “cho đi là còn mãi”.
Khởi nghiệp sớm từ ô tô cũ
Doanh nhân Lê Đức Toàn hiện là chủ của Salon ô tô Toàn Phát Auto chuyên buôn bán ô tô đã qua sử dụng tại TP.HCM. Được thành lập năm 2004, Toàn Phát Auto đã trải qua 11 năm kinh doanh phát triển sôi động. Tuy nhiên, ít ai biết được câu chuyện khởi nghiệp của anh Toàn bắt đầu từ những năm “đất nước giải phóng”.
Chia sẻ về cơ duyên kinh doanh, anh Toàn kể lại: “Tôi mê xe từ bé và gia đình cũng có sẵn nền tảng. Bố tôi có bán ô tô cũ nhưng cũng không chuyên nghiệp. Những năm sau giải phóng, xe cộ khó khăn, hồi bé tôi rất mê xe, thấy bố làm là trong đầu mình cũng thích. Thành ra tôi khởi nghiệp sớm, lúc đó chừng 18, 19 tuổi, tập tành buôn bán ô tô từ thời bao cấp năm 1988-1989. Tôi tự ra chợ bán xe của Campuchia mua về loại xe ô tô tay lái nghịch. Đây là loại xe thịnh hành được nhập nhiều vào Việt Nam thời đó. Tôi nhập xe về, sửa sang, làm giấy tờ lại và bán ra thị trường.”
Thực ra khi đó anh Toàn đã có nền tảng sửa chửa, mua bán xe máy, hơn nữa năm 16 tuổi anh Lê Đức Toàn đã tự mở tiệm tân trang xe máy. “Chỉ sau một, hai năm tôi cũng đã cứng nghề và có ít vốn nhập xe đời thấp, tân trang lại rồi bán nên cơ bản cũng không gặp khó khăn gì nhiều” – anh chia sẻ.
Đến nay Salon Toàn Phát của anh Lê Đức Toàn cũng đã trải qua hơn 11 năm hình thành và phát triển. Vì ngành xe cũ khó cạnh tranh, lại trải qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, hầu hết các doanh nghiệp khắp nơi đều chung tình trạng, doanh nghiệp của anh Toàn cũng nằm trong số đó. “Khó khăn lớn nhất là về khách hàng, thành ra doanh số giảm nhiều” – anh bồi hồi.
Khó khăn không làm nản đi tinh thần của người đàn ông gốc miền Trung lam lũ. Suốt hai năm dịch Covid 19 hoành hành, anh Toàn vừa lo cho doanh nghiệp, vừa dốc toàn sức lực cho công tác cứu trợ người bệnh thông qua các hoạt động thiện nguyện. Với anh “chỉ cần làm đúng tâm nguyện của lòng mình, kinh doanh trung thực thì sợ gì khó khăn…”
“Làm giàu để cho đi”
Trong cuộc sống, doanh nhân Lê Đức Toàn là một người đơn giản. Anh không ưa hút thuốc, cà phê, rượu bia, chơi bời. Chỉ khi làm xong công việc, thời gian rảnh anh thu xếp hỗ trợ cho các hội, đoàn thành phố, đi từ thiện. Nếu có khả năng, anh tự tổ chức các chương trình nhỏ đi phát quà ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa và làm liên tục.
Anh đến với thiện nguyện như một cái duyên “trời định”. Bởi lẽ “Thiện nguyện là truyền thống của gia đình tôi. Từ thời ông nội trước giải phóng đến thời ba tôi, gia đình đã có truyền thống giúp đỡ những người khó khăn. Anh chị của tôi cũng công tác trong các toà soạn báo bên mảng công tác xã hội. Do vậy cả gia đình đã quen với cách làm hoạt động cộng đồng. Bản thân tôi khởi nghiệp sớm, may mắn biết và tham gia nhiều cộng động doanh nhân kết nối các hoạt động thiện nguyện” – anh Toàn chia sẻ.
10 năm trở lại đây doanh nhân Lê Đức Toàn tham gia rất nhiều các hội, đoàn, các tổ chức cộng động và thường xuyên tổ chức các chuyến đi trao quà ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt trong hai năm dịch Covid 19 vừa qua. Hiện anh là thành viên của nhiều CLB như Doanh nhân Sài Gòn, doanh nhân Khánh Hoà Sài Gòn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường TP.HCM…
Từ đầu mùa dịch anh dùng xe của mình hỗ trợ người khó khăn đi cấp cứu. Giữa tâm dịch anh luôn có mặt khắp các ngã đường, các con hẻm nhỏ bị cách ly để hỗ trợ cho bà con những phần rau củ quả. Thức dậy từ tờ mờ sáng, bữa cơm đầu tiên trong ngày vào giữa khuya. Ăn vội bữa cơm, anh lại tranh thủ chia quà cho buổi sớm mai. Khuya lại tất bật đi đóng hàng để ngày mai tiếp tục.
Nhớ lại kỷ niệm chống dịch, anh Toàn kể: “Một ngày làm việc của tôi kéo dài 22 tiếng, chỉ vỏn vẹn 2 tiếng để ngủ. Mọi hoạt động từ rau củ quả, gạo, thực phẩm cho tới thuốc men tôi làm suốt 2 năm. Tôi nhận thấy việc làm của mình đã giúp được rất nhiều người dân, người bệnh vượt qua khó khăn. Đó là thành quả lớn nhất mà tôi đạt được từ bé đến giờ. Là điều mà tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình được tham gia và làm rất tốt công tác phòng chống dịch”.
“Giá trị nhận lại không thể đo được, nhưng cái quý nhất trong hoạt động phòng chống dịch là tôi đã cứu được rất nhiều người. Đó là một kỷ niệm đẹp suốt cuộc đời còn lại của tôi” – anh Toàn tự hào nói.
Khi được hỏi về điều giản dị và tâm đắc nhất trong cuộc sống, anh Toàn từ tốn: “Bản thân mình không đòi hỏi, cuộc sống càng đơn giản thì càng hạnh phúc hơn”.
“Trước đây cũng đi lên từ tay trắng, khó khăn, giờ đây cuộc sống ổn định nên tôi muốn cho đi nhiều hơn. Mục tiêu sống mà tôi luôn theo đuổi: Làm giàu để cho đi…” – anh Toàn trải lòng.
Ngoài thời gian cho công việc và thiện nguyện, anh Lê Đức Toàn còn có đam mê về môi trường. Anh tham gia rất nhiều về công tác bảo vệ môi trường. Hiện anh là Trưởng ban của một hội bảo vệ môi trường tại TPHCM, chuyên tổ chức các sự kiện caravan, hoạt động từ thiện, các chương trình môi trường như dọn rác, trồng cây xanh trên bờ biển, chương trình phủ xanh biển đảo, hoặc tham gia các chương trình lớn mang tầm quốc gia. Anh Toàn nói: “Thật ra công tác về môi trường là mục tiêu thứ hai của tôi sau công tác thiện nguyện”.
Được biết doanh nhân Lê Đức Toàn đang là Phó ban tổ chức và Trưởng ban cung đường trong chuyến caravan tại Bình Thuận với quy mô 18 ô tô con, 60 người. Chương trình tặng 3 căn nhà tình thương, 4 con bò và 200 phần quà cho người dân khó khăn tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 2-5/6/2022.
Bích Dung