Nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được Thủ tướng ban hành theo Quyết định số 1746/QÐ-TTg, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý rác thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TNMT) phối hợp triển khai cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và các đối tác được triển khai thực hiện trên phạm vi 9 tỉnh/thành phố từ tháng 10-2019 đến tháng 12-2023. Dự án gồm 4 hợp phần chính: Truyền thông và Giáo dục; Ðô thị giảm nhựa; Chính sách quản lý và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Thủy sản và Khu bảo tồn biển. (Nguồn: WWF-Việt Nam)
Thời gian qua, tại TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động hướng tới nâng cao nhận thức người dân về ô nhiễm rác nhựa và bảo vệ môi trường. Bên cạnh huy động nguồn lực từ cộng đồng và đối tác trong nước, thành phố còn tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài trong công tác làm sạch môi trường và giảm rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm ô nhiễm nhựa đại dương theo Quyết định số 1746/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Rác nhựa “bủa vây” sông, biển
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường toàn cầu, mà Việt Nam cũng đang phải đối mặt.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tháng 7 cho biết, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa với tốc độ nhanh cùng sự thay đổi trong lối sống đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam xác định có ít nhất 10% số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong 5 nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới.
Trước đó, từ tháng 7-2020 đến tháng 1-2021, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) đã tiến hành cuộc Khảo sát hiện trạng chất thải nhựa ven sông và ven biển tại Việt Nam, tập trung tại 10 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Phú Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy chất thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng số lượng và 71% trọng lượng rác thải. Trong tất cả các rác thải nhựa rò rỉ ra đường thủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần là phổ biến nhất – chiếm 72% (về số lượng) số rác nhựa thu gom tại các địa điểm ven sông và 52% số rác nhựa thu gom tại các địa điểm ven biển. Rác bao bì thực phẩm mang đi là loại chất thải nhựa phổ biến nhất trong các khảo sát thực địa (chiếm 44% về số lượng), tiếp theo là rác thải từ nghề cá (33%) và rác thải hộ gia đình (22%).
Theo Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp sắp được áp dụng bao gồm lệnh cấm sản xuất và nhập khẩu túi ni lông sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về giảm rác thải nhựa
TP Cần Thơ nằm ở vùng trung – hạ lưu và ở vị trí trung tâm ÐBSCL, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt (13 sông và nhiều kênh, rạch). Ðể giảm thiểu rác thải trên các dòng sông, thời gian qua, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thu gom rác thải trên một số tuyến sông, kênh, rạch; đồng thời đẩy mạnh phong trào “chống rác thải nhựa”, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Thời gian qua, Sở TNMT TP. Cần Thơ đã chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2022 với chủ đề “Chỉ một Trái đất”; phối hợp Ủy ban MTTQVN và Tổ chức GreenHub dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn; phối hợp phường An Khánh và Quận đoàn Ninh Kiều tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại Hồ Búng Xáng; phối hợp với Trường Ðại học Nam Cần Thơ, Hội LHPN thành phố và Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức 3 chương trình đổi rác lấy quà tặng…
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động cộng đồng thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa, như Công ty cổ phần Ðô thị Cần Thơ thực hiện chương trình hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và đổi rác tái chế lấy quà; Thành đoàn Cần Thơ, Văn phòng đại diện tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp tổ chức Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường “Ðổi rác lấy quà”…
Hợp tác với đối tác trong và ngoài nước
Nhằm đa dạng hóa nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, Cần Thơ đặc biệt chú trọng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm giải pháp quản lý hữu hiệu rác thải trên sông.
Ðiển hình là dự án Vì sông Mekong không rác, khởi động hồi tháng 5, do Trung tâm GreenHub và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn thực hiện. Ðây là dự án thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ được tài trợ bởi Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam thông qua Tổ chức Charities and Foundation America.
Trước đó, Cục Bảo vệ môi trường Miền Nam (Bộ TNMT), tổ chức The Ocean Cleanup (TOC – Hà Lan) và Công ty Coca – Cola Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Dự án làm sạch sông Cần Thơ cho Sở TNMT. Ðược biết, sông Cần Thơ là một trong 15 con sông trên thế giới được chọn để làm sạch trong khuôn khổ hợp tác triển khai toàn cầu giữa Coca – Cola và TOC nhằm thử nghiệm và đánh giá công nghệ ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra đại dương.
Công cụ then chốt của dự án là thuyền thu gom rác nổi Interceptor 003 – rộng 8,1m, dài 24,7m và cao khoảng 4,4m, lưới chắn rác dài 100m – với tổng mức đầu tư gần 20 tỉ đồng, trong đó Hà Lan viện trợ không hoàn lại 14,6 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Mỗi tháng, hệ thống vận hành bằng năng lượng Mặt trời này tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ, qua đó cải thiện môi trường và mỹ quan sông, góp phần quảng bá du lịch vùng sông nước và giúp Cần Thơ giữ vững danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường ASEAN lần thứ 5” năm 2021.
Giảm rác thải nhựa – trách nhiệm không của riêng ai
Mọi người đều ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi rác nhựa như thế nào? Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết vào cuối vòng đời, khi nhựa đã trở thành rác thải, nếu không được thu gom và tái chế, chúng có thể bị vứt một cách bừa bãi ở nơi công cộng, bị gió cuốn bay; đến khi mưa xuống, chúng trôi theo sông ra biển. Mặt khác, nhựa thường được xem là loại vật liệu không phân hủy sinh học và có thể tồn tại rất lâu trong tự nhiên, nhưng dưới tác động của bức xạ UV, nhiệt độ, hóa chất… chúng sẽ phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ và tạo thành hạt vi nhựa có hại cho môi trường tự nhiên, sức khỏe con người và các sinh vật khác. Dù sống ở thành phố, xa các vùng biển, chúng ta vẫn có thể nhiễm vi nhựa. Theo WWF – Việt Nam, chúng ta có thể nhiễm vi nhựa nếu ăn hải sản được đánh bắt ở vùng biển có ô nhiễm hạt vi nhựa, hoặc hít thở không khí ô nhiễm có chứa vi nhựa ở dạng bụi lơ lửng, hoặc uống nước từ các nguồn bị ô nhiễm hạt vi nhựa. Về tác động đối với sức khỏe, vi nhựa khi được cơ thể hấp thu có thể gây ra các vấn đề như tổn thương tế bào, tăng viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, suy giảm chức năng gan, thận. Cần làm gì để giảm rác thải nhựa và ô nhiễm vi nhựa? Ðể giảm ô nhiễm rác thải nhựa, WWF cho rằng nhà nước cần đóng vai trò điều phối, xây dựng các hạ tầng xử lý chất thải; nhà sản xuất xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý rác và người tiêu dùng tham gia bằng cách: + Thực hiện nguyên tắc 3R/3T: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế nhằm giảm thiểu lượng rác thải tạo ra. + Thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình. + Không xả rác bừa bãi, hướng tới “Không rác thải nhựa trong tự nhiên”. + Mua sắm và tiêu dùng có ý thức, trách nhiệm. Tiết giảm mua mới, từ chối nhận và sử dụng các sản phẩm nhựa khi không cần thiết; mang theo túi đựng hoặc tái sử dụng túi sẵn có khi mua sắm. + Tuyên truyền, phổ cập kiến thức về môi trường để nhân rộng lối sống xanh và có trách nhiệm. + Duy trì ý thức bảo vệ môi trường khi đi du lịch, phát triển du lịch bền vững. |
Thanh Trúc