Những ngày tháng 5/2023, Chuyến hải trình của Đoàn công tác số 17 “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” rời bến Cảng Cát Lái (TP.HCM) trong niềm vui hân hoan của hơn 200 đại biểu đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 29/5 – 4/6/2023.
Thật vinh dự và tự hào, khi tôi đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM (HANE) tham gia chuyến hải trình cùng với hơn 200 đại biểu đến từ mọi miền tổ quốc, được chia thành 9 trung đội, cùng nhau vượt sóng gió biển khơi, trải qua hành trình thăm các đảo, điểm đảo của Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Một trải nghiệm ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc.
Đây là hải trình thăm Trường Sa lần đầu tiên, trước hành trình hơn 1.200 hải lý, trong tôi là một cảm giác lâng lâng khó tả, đan xen nhiều cảm xúc háo hức lẫn âu lo. Háo hức vì sắp được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được tận mắt nhìn thấy, gặp gỡ những con người, cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở vùng biển đảo quê hương mà trước đây chỉ biết qua hình ảnh trên mạng internet. Có phần nào lo âu cho lần đầu tiên “đi công tác” trên đầu sóng, ngọn gió của chuyến hải trình dài ngày trên con tàu KN290.
Trong hành trình 7 ngày, khi đến thăm các đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1, Đoàn công tác đã gửi những phần quà, những lời thăm hỏi, động viên đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/2 thuộc bãi Phúc Tần – thềm lục địa Phía Nam của Tổ quốc; Thăm các cột mốc chủ quyền biển đảo; Tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh khu vực Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc; Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại thị trấn Trường Sa, thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại các chùa; tham gia lễ chào cờ và diễu hành trên thị trấn đảo Trường Sa.
Nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong suốt hải trình như giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo tạo không khí vui tươi, thắt chặt tình cảm giữa quân và dân, giữa hải đảo và đất liền, tặng quà cho các em thiếu nhi dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, triển lãm mỹ thuật “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” và giải chạy “Vì Trường Sa thân yêu”. Tại các đảo, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sĩ, người dân sinh sống trên đảo đón tiếp với tình cảm thật ấm áp trân quý.
Xuyên suốt chuyến hải trình, tôi đã được trải nghiệm phần nào cuộc sống của các chiến sĩ và người dân đang sinh sống trên đảo, những khó khăn gian khổ, sự mất mát hy sinh của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, góp phần tạo thêm động lực để tôi phấn đấu làm việc tốt hơn trong công việc và cuộc sống.
Ấn tượng sâu sắc nhất là được tới thăm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tận mắt chứng kiến sự xanh tươi cây cỏ, sức sống của con người Trường Sa. Trải nghiệm mới thấy Biển – Đảo đã trở thành một phần máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh. Biết bao xương máu, công sức, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ đi trước đã đổ xuống để xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau chuyến đi mỗi đại biểu sẽ là một đại sứ tuyên truyền: Khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Chuyến hải trình đến với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 17 đã khép lại. Giây phút chia tay nhiều Đại biểu đã không kìm được cảm xúc, ôm lấy các chiến sĩ, nhiều giọt nước mắt cảm xúc, sâu lắng trong tôi vẫn mãi lắng đọng với những kỷ niệm khó quên về một hải trình đầy ý nghĩa và hẹn ngày hội ngộ trên những chuyến hành trình ý nghĩa tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thắng
Phó Chủ tịch, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM