Sáng ngày 2/10/2024, tại TP.HCM, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức Hội nghị “Truyền thông phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì”.
Hội nghị nhằm tiếp tục thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nâng cao trách nhiệm quản lý, sản xuất, tiêu dùng trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên áp dụng các giải pháp và chính sách nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhựa, góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Chung Tấn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP HCM khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhựa. Việc giảm thiểu sử dụng nhựa là một nhiệm vụ cấp bách mà chúng ta cần phải cùng nhau thực hiện.”
Tại Hội nghị, Ths. Dương Thị Phương Anh – Phó Giám đốc điều hành, Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ TN&MT – Bộ TN&MT đã cung cấp thông tin về những quy định, hệ thống thu gom, tái chế chất thải nhựa; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và các giải pháp tối ưu hoá hệ thống sản xuất tuần hoàn.
Theo bà Phương Anh, quan điểm tiếp cận của Luật bảo vệ môi trường coi chất thải là tài nguyên với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững. Tại nền kinh tế đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải.
Về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bà Phương Anh cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng như: Ắc quy và pin sạc nhiều lần; dầu nhớt dùng cho động cơ; săm lốp; các loại bao bì của các sản phẩm… phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm.
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Nhựa TP HCM cũng trình bày về hiện trạng sản xuất và xu hướng phát triển của ngành nhựa cũng như các mô hình giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của một số ngành có liên quan.
Chia sẻ tại hội nghị, các đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên thị trường các sản phẩm bao bì, thân thiện với môi trường vẫn khó tiếp cận với người tiêu dùng, bởi giá thành khá cao so với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và khó phân hủy.
Giải đáp về vấn đề này, Ths. Dương Thị Phương Anh cho biết, để giải quyết vấn đề này, chúng ta đang trên lộ trình đến năm hết năm 2030 sẽ cấm sản xuất, nhập khẩu hoàn toàn các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức và thói quen của người dân.
Các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về những thách thức và cơ hội trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, đồng thời đưa ra những sáng kiến thực tiễn và chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Hội nghị là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng liên quan đến nhựa dùng một lần.
Thông qua việc phổ biến và áp dụng các chính sách này, ngành bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị và các lĩnh vực liên quan sẽ được hỗ trợ để hướng tới một mô hình kinh doanh xanh và bền vững hơn.