Bước sang một giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn mình thành quốc gia hùng cường vào năm 2045 – dấu mốc 100 năm thành lập nước – Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn lao nhưng cũng đầy thách thức. Trong hành trình ấy, lực lượng doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước chính là một trong những trụ cột quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và lan tỏa khát vọng dân tộc.
Từ những ngày đầu gian khó sau Cách mạng Tháng Tám, doanh nhân Việt Nam đã sớm thể hiện vai trò đồng hành cùng dân tộc. Tấm gương tiêu biểu như doanh nhân Trịnh Văn Bô, người đã hiến tặng 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ Vàng năm 1945 để hỗ trợ chính quyền non trẻ, là biểu tượng cho tinh thần “doanh nhân yêu nước”. Từ đó đến nay, qua các giai đoạn kháng chiến, đổi mới và hội nhập, lực lượng doanh nhân ngày càng trưởng thành, trở thành đội ngũ tiên phong trên mặt trận kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Một hình ảnh đầy ý nghĩa, mang tính biểu tượng mạnh mẽ cho vai trò của doanh nhân chính là việc Khối Doanh nhân Việt Nam – lực lượng tiên phong trên mọi mặt trận kinh tế – tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Mỗi bước chân trong đội hình diễu hành ấy không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về tinh thần đồng hành cùng dân tộc trên hành trình phát triển mới.

Doanh chủ – động lực làm chủ, tăng trưởng và đổi mới
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân – nơi hội tụ phần lớn doanh chủ Việt – chiếm khoảng 42–45% GDP và có xu hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong nhiều năm, khu vực này luôn tăng trưởng nhanh hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy sự năng động, thích ứng cao và sức sáng tạo không ngừng của doanh nhân Việt trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Không chỉ đóng góp về sản lượng, khu vực doanh nghiệp tư nhân còn là nguồn tạo việc làm chủ yếu cho nền kinh tế, chiếm 85% tổng số lao động và tạo ra hơn 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023. Đây là đóng góp quan trọng giúp ổn định an sinh xã hội, nâng cao mức sống người dân và xây dựng một xã hội phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nhân Việt không ngừng đầu tư vào nghiên cứu – phát triển (R&D), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hoá hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành thương hiệu lớn vươn tầm khu vực, thậm chí toàn cầu, đưa hình ảnh và sản phẩm Việt Nam hiện diện trên bản đồ kinh tế thế giới.
Đặc biệt, trong thời đại số và yêu cầu phát triển bền vững, các doanh nhân Việt đang tích cực chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ – từ thay đổi mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, đến phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đón đầu xu hướng kinh tế tuần hoàn, đầu tư vào công nghệ xanh và tái tạo, thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng và hành tinh. Đây không chỉ là yêu cầu hội nhập quốc tế, mà còn là lựa chọn chiến lược để doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
Tinh thần khởi nghiệp và bản lĩnh hội nhập
Điểm sáng của đội ngũ doanh nhân hiện đại là tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không ngừng. Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đã và đang lan rộng, đặc biệt trong giới trẻ. Nhiều doanh nhân trẻ năng động, táo bạo và sáng tạo đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, nông nghiệp thông minh, giáo dục, y tế…
Cùng với đó, doanh nhân Việt đang khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Bộ Công Thương, khu vực tư nhân đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo và nông sản. Điều này không chỉ giúp Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, mà còn khẳng định năng lực sản xuất và sức cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Doanh nhân – “chiến sĩ” trên mặt trận phát triển quốc gia
Trong mọi thời kỳ, doanh nhân không chỉ là người tạo ra của cải vật chất mà còn là lực lượng nòng cốt đồng hành với đất nước vượt qua khó khăn, thử thách. Trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ vật tư y tế, cung ứng hàng hoá thiết yếu, giữ chân người lao động và duy trì sản xuất – thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của giới doanh nhân.
Không những thế, khu vực tư nhân còn góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Không cần đến vốn ngân sách, nhiều tập đoàn tư nhân đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng, năng lượng, logistics, công nghệ, góp phần phát triển bền vững và giảm áp lực tài chính cho Nhà nước. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn làm lợi cho đất nước.

Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đất nước cần một đội ngũ doanh nhân, doanh chủ bản lĩnh – sáng tạo – phụng sự. Doanh nhân Việt Nam hôm nay không còn chỉ làm ăn trong biên giới quốc gia, mà đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đối diện với những tiêu chuẩn khắt khe và sự cạnh tranh khốc liệt. Để tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, họ cần sự tiếp sức từ thể chế minh bạch, môi trường kinh doanh bình đẳng, được bảo vệ quyền tài sản và được khích lệ đổi mới.
Nhưng trên hết, ngọn lửa yêu nước, khát vọng vươn lên và tinh thần dân tộc mới là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững cho doanh nhân Việt. Kỷ nguyên mới của dân tộc đang mở ra, và đội ngũ doanh nhân Việt Nam – với trí tuệ, khát vọng và trách nhiệm – đã sẵn sàng sánh bước cùng đất nước trên hành trình chinh phục tương lai.