Trong hai ngày 31/5 và 1/6, sau khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, TAND TP HCM đã tổ chức 7 phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến liên quan đến việc khởi kiện của người khởi kiện yêu cầu. Trong đó có một vụ có đương sự đang ở khu vực quận Gò Vấp, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ.
Ông Trương Thế Trọng, Chánh tòa Hành chính cho biết trong bối cảnh toàn thành phố đang giãn cách xã hội, việc vừa giải quyết án (dù mới chỉ ở án hành chính) vừa phòng chống dịch, việc thực hiện đối thoại trực tuyến, kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là một khâu tố tụng trong giải quyết án hành chính là phù hợp với hoàn cảnh.
7 phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến án hành chính trong hai ngày cho thấy có thể giúp ổn định và đảm bảo tiến độ giải quyết án hành chính, đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong vụ việc. Đáng chú ý trong 7 phiên, có một vụ việc người khởi kiện đồng ý rút đơn ngay tại phiên họp trực tuyến sau khi được đối thoại với người bị kiện. Người dân trước đó khởi kiện Chánh thanh tra Sở Xây dựng về việc không cấp phép xây dựng, sau khi đối thoại người bị kiện nhận thấy, hồ sơ cấp phép của người dân đã đủ điều kiện cấp phép đã lập tức đồng ý nhận hồ sơ cấp phép của người dân. Còn người bị kiện cho biết trước đó, tại thời điểm khởi kiện hồ sơ của người dân chưa đầy đủ, thời điểm tại phiên đối thoại họ đã đủ do đó Sở Xây dựng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Một người đương sự tham gia phiên đối thoại cho biết, lúc đầu có đôi chút bỡ ngỡ với cách tiếp cận phiên đối thoại trực tuyến, tiếp cận với chữ ký điện tử. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của luật sư, thư ký họ đã thích nghi và cảm thấy vô cùng tiện lợi, ngoài ra việc này giúp người dân giám sát tốt hơn tránh các tiêu cực, khiến mọi việc trở lên minh bạch.
Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ, người khởi kiện chỉ cần điện thoại thông minh hay phương tiện điện tử kết nối được mạng internet đã có thể tham gia đối thoại trực tuyến, giao nộp hồ sơ, tiếp cận vụ việc…một cách dễ dàng. Hơn nữa đang trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra phức tạp, đương sự đang trong khu vực cách ly vẫn có thể tham gia đối thoại. Việc tiến tới xây dựng Tòa án điện tử là phù hợp với sự phát triển của xã hội, bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 của thế giới, Tòa án điện tử sẽ giảm thiểu thời gian đi lại, tiền bạc của cả người dân và Tòa án, rút ngắn nhiều công đoạn tố tụng trong vụ việc.
Trước đó tháng 9/2020, TANDTC đã chấp thuận cho TAND TP.HCM thí điểm đề án “Đối thoại trực tuyến” trong vòng một năm kể từ ngày 1/1/2021.
Nguồn : Tạp Chí Tòa Án Nhân Dân