Hơn 60 đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực như khoa học, nông nghiệp, pháp lý, doanh nghiệp, làng nghề, trang trại và hợp tác xã trên toàn quốc đã tham dự Tọa đàm khoa học “Pháp lý – nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh”, diễn ra tại Nhà khách Người có công (TP.HCM) gần đây.

Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy các phiên thảo luận sâu rộng về nhu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng công cụ bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và làng nghề trước những thách thức ngày càng phức tạp trong môi trường hội nhập và chuyển đổi số.
Chương trình do Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) chỉ đạo CLB Doanh nhân IMRIC – IRLIE cùng CLB Báo chí Truyền thông và Chính sách pháp luật phối hợp tổ chức.
Tọa đàm quy tụ nhiều chuyên gia và lãnh đạo có uy tín như Tiến sĩ Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế; Tiến sĩ Bùi Đặng Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; Tiến sĩ Hà Ngọc Anh – Nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; Tiến sĩ Phạm Quang Bản – Nguyên Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Cơ quan Thường trực miền Nam; Tiến sĩ Trần Anh Tuấn – Nguyên Phó Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa VII, VIII)… cùng các đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại, làng nghề truyền thống và các chuyên gia pháp lý.
Phát biểu khai mạc, Ban Tổ chức Tọa đàm nhấn mạnh trong thời gian qua, các vụ việc liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, đạo nhái thương hiệu, giả mạo mã truy xuất nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu nông sản Việt tại nước ngoài đang có xu hướng gia tăng rõ rệt. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ về mặt chính sách pháp luật, nhất là đối với các chủ thể yếu thế như nông hộ, hợp tác xã, làng nghề và doanh nghiệp nhỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Như Chinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm rằng các làng nghề không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa – lịch sử dân tộc mà còn là nơi tạo sinh kế cho hàng triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện phần lớn các làng nghề vẫn hoạt động theo hình thức phân tán, thiếu nguồn lực và khó tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn xanh. Đặc biệt, công cụ pháp lý bảo vệ thương hiệu gần như vắng bóng ở cấp cơ sở. Ông Chinh đề xuất cần sớm hình thành một hành lang pháp lý hiệu quả, phù hợp với thực tế làng nghề, bao gồm cả chính sách tín dụng xanh, đào tạo sở hữu trí tuệ, ứng dụng chuyển đổi số và tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Trong phần trình bày chuyên đề, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ thương hiệu nông sản phải được nhìn nhận trong mối liên hệ với phong trào thi đua yêu nước, phát triển cộng đồng và khẳng định vị thế quốc gia. Ông nhấn mạnh rằng định danh pháp lý cho sản phẩm không đơn thuần mang tính thương mại mà còn là biểu tượng văn hóa và là cơ sở bảo vệ chủ quyền hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ của Tọa đàm, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Ủy viên Ban Kiểm tra Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề xuất cần tiếp cận thương hiệu nông sản và làng nghề xanh dưới góc độ chính sách thuế, coi đây là một công cụ hỗ trợ chứ không chỉ là nghĩa vụ. Bên cạnh đó, ông Sơn nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, xây dựng hình ảnh thương hiệu và kết nối thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ở góc nhìn thực tiễn, ông Hồ Văn Tứ – Giám đốc HTX Trầm hương Long Phụng (Khánh Hòa) chia sẻ hành trình gian nan của mình từ những ngày đầu lập nghiệp. Ông thừa nhận từng thiếu kiến thức về pháp lý và thương hiệu, nhưng nhờ được kết nối với các hiệp hội và chuyên gia, đến nay, HTX của ông đã xây dựng được thương hiệu riêng cùng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại diện một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ chia sẻ rằng đơn vị từng bị làm nhái bao bì sản phẩm trong nước. Dù đã có bằng chứng rõ ràng, doanh nghiệp vẫn mất hơn nửa năm để làm việc với các cơ quan chức năng nhằm xử lý vụ việc. Hậu quả là người tiêu dùng mất niềm tin, còn thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến từ các làng nghề truyền thống. Qua đó, ông Nguyễn Văn Thích – Giám đốc HTX Phước An (Làng trồng rau tại Bình Chánh), bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chủ cơ sở Mây tre đan Lê Vinh Hạnh (Làng đan lát tại Củ Chi) bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của chính quyền và chuyên gia pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Đặc biệt, Thạc sĩ Trần Quốc Duy – Phó Viện trưởng Viện IMRIC, Chánh Văn phòng Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam nêu rõ rằng hiện nay, thương hiệu là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Cần gấp rút xây dựng “lá chắn pháp lý” tại cơ sở, nhất là trong bối cảnh từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chuyển sang mô hình hành chính hai cấp, gồm tỉnh và xã, việc đưa pháp luật tiếp cận gần hơn với người dân, doanh nghiệp, trang trại và làng nghề là yêu cầu cấp thiết.
Thạc sĩ Trần Quốc Duy đã đề xuất các giải pháp như tích hợp hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc với cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ, mở rộng mạng lưới tư vấn pháp lý ở cấp xã, và thành lập trung tâm trọng tài chuyên biệt về thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp – làng nghề nhằm xử lý tranh chấp nhanh, tiết kiệm và hiệu quả hơn…
Tọa đàm diễn ra đúng thời điểm Việt Nam đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội – cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực này. Đây được đánh giá là nền tảng chính sách quan trọng để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh, và thương hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý – một xu hướng đang lên trên thị trường quốc tế.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, đại diện Ban Tổ chức khẳng định rằng pháp luật không chỉ là công cụ xử lý vi phạm, mà còn là nền tảng bảo vệ danh dự quốc gia thông qua sản phẩm. Khi mỗi sản phẩm làng nghề, nông sản mang tên gọi Việt Nam được bảo vệ và lan tỏa, đó chính là cách nước ta này khẳng định vị thế bằng trí tuệ và bản sắc.

Tọa đàm là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động kết nối pháp lý với cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại và làng nghề. Các đại biểu kỳ vọng những kiến nghị và đề xuất tại sự kiện sẽ sớm được cụ thể hóa thành các công cụ pháp lý, chương trình hành động và sáng kiến chính sách nhằm bảo vệ thiết thực thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập toàn diện.
(QT)