Chuyên gia Kinh tế và chia sẻ về Khởi nghiệp – Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGROUP, Nhà sáng lập Học viện Kỹ năng VTALK. Với vai trò là chuyên gia thường xuyên chia sẻ về Khởi nghiệp trên HTV9, VOH, BPTV,… và tại nhiều trường Đại học hàng đầu như Đại học Kinh tế, Đại học Sư Phạm, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam có góc nhìn sâu sắc và kinh nghiệm thực tế về kinh doanh, khởi nghiệp.
Trong một chương trình thuộc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH), ông Mai Nguyễn Hoàng Nam đã đề cập đến những vấn đề về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Ông Nam phân tích: “Mặc dù trong những năm vừa qua, nhà nước và các tổ chức, chính quyền đã có rất nhiều các hoạt động giá trị dành cho phong trào khởi nghiệp, tuy nhiên đa số vẫn còn mang hơi hướng tập trung nhiều vào các dự án công nghệ hoặc môi trường. Thông thường, những dự án như vậy đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cực lớn, hoặc giải pháp công nghệ cực kỳ tiên tiến để có thể thành công. Tập trung nhiều nguồn lực như vậy và kỳ vọng vào các dự án khởi nghiệp còn quá non trẻ sẽ gây thất thoát nhiều cơ hội và tài lực của xã hội. Trong khi đó, nhiều nhóm ngành phụ trợ, giáo dục, y tế,… vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Ngay cả những tỷ phú hàng đầu như Jack Ma gần đây cũng từ bỏ công nghệ và tập trung khởi nghiệp trong mảng bán đồ ăn đóng sẵn“.
Ông Nam cho rằng, một dự án khởi nghiệp tiêu chuẩn thường phải hội tụ đủ 2 yếu tố, một là có khả năng thu lại lợi nhuận đột biến so với chi phí bỏ ra khi đã ở trong giai đoạn tăng trưởng, hai là giải pháp phải có tính tác động xã hội, tạo ra cái mới hoặc những cách làm cải tiến vượt bậc có khả năng định hình lại thị trường, chứ không nhất thiết cứ phải là công nghệ hay chuyển đổi số.
Trong một chuyên đề khác về Khởi nghiệp thuộc UBND TP.HCM, chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng chia sẻ về những nhầm lẫn của giới trẻ hiện nay khi chạy đua theo trào lưu khởi nghiệp. Mở một quán ăn, hay có doanh thu khủng từ TikTok Shop không hẳn là khởi nghiệp, đó có thể đơn thuần chỉ là việc kinh doanh đạt hiệu quả cao. “Việc phân biệt rạch ròi giữa chuyện khởi nghiệp và lập nghiệp là cực kỳ cần thiết với tư duy của thế hệ trẻ. Nhiều bạn ngây thơ, chưa kinh doanh đã cam kết bảo vệ môi trường (ví dụ như bán ống hút cỏ, inox, thủy tinh), nếu sản phẩm không tiện dụng, kén người tiêu dùng thì doanh nghiệp của bạn có nguy cơ “chết” trước cả khi kịp tạo ra tác động. Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”, tạo công ăn việc làm và trả đủ lương cho người lao động cũng đã là đóng góp lớn cho xã hội.”, ông Nam thẳng thắn.
Gen Z cần chuẩn bị những hành trang gì khi khởi nghiệp?
Các bạn trẻ, đặc biệt Gen Z hiện nay đa phần có nhiều ý tưởng sáng tạo, mang nhiều giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực thi còn kém hiệu quả và chưa có sự quyết tâm, khát vọng mãnh liệt trong hành động. “Nói hay, chia sẻ nhiệt huyết, nhưng khi bắt tay vào làm thì khá hời hợt, dễ dàng từ bỏ hoặc theo đuổi mù quáng. Chủ nghĩa vị kỷ và cái tôi cao cũng khiến nhiều bạn trẻ bỏ dở những mục tiêu lớn chỉ vì khó khăn ban đầu”.
Chia sẻ về những hành trang Gen Z cần thiết trong khởi nghiệp, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam nhấn mạnh: “Gen Z đang có lợi thế rất lớn về mặt kiến thức chuyên môn và sự bài bản, vì khả năng học tập rất nhanh, kiến thức ở mọi nơi và được sự quan tâm của nhiều nguồn lực xã hội hỗ trợ hướng dẫn. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khi đang còn là sinh viên, thậm chí là học sinh. Vì vậy mà tôi cho rằng hành trang quan trọng nhất của các bạn là khả năng quán xuyến thời gian. Tại sao nhiều bạn vừa học, vừa làm vẫn tốt nghiệp ra trường loại xuất sắc, được mời tuyển dụng ở vị trí cấp cao. Trong khi đó nhiều bạn thực tập ở rất nhiều công ty, ra trường vẫn khó bức phá và tạo ấn tượng. Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng quán xuyến thời gian của các bạn”.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình cũng cực kỳ quan trọng. “Giao tiếp và Thuyết trình là các kỹ năng cốt lõi của những nhà sáng lập, vì liên quan trực tiếp đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân, kỹ năng bán hàng, gọi vốn,…” – ông Nam nhận định. Ngoài ra, chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng đề cập đến tính đa nhiệm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm chủ chính mình đều là những hành trang quan trọng cho Gen Z khi khởi nghiệp.
Quốc Trọng