Trong khi nhiều doanh nhân chọn cách nghỉ dưỡng xa hoa, du lịch sang trọng hay sống kín tiếng sau những áp lực kinh doanh, thì anh Nguyễn Hoàng Hồ (Hồ Nguyễn) – Chủ tịch HĐQT NHC Group, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mekong Đệ nhất, lại chọn một con đường ngược dòng: đi bộ xuyên suốt từ Sài Gòn về đến Cà Mau (từ ngày 24/6 đến ngày 7/7/2024), rồi tiếp tục hành trình từ con sông Bảo Định Giang – Tiền Giang đến đỉnh Thiên Cấm Sơn – An Giang (từ ngày 22/6 đến ngày 2/7/2025) trong hai năm ròng, đó là một hành trình vượt hơn 600km qua tất cả 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với đôi chân trần và trái tim đầy năng lượng.
“Hành trình ấy không có tư trang gì ngoài quyển sổ, cây viết và vài thứ đồ cá nhân;không có máy ảnh, không điện thoại, không người quay phim. Chỉ là những bước chân và những câu niệm Phật vang thầm trong gió.”
Khi doanh nhân không chỉ là người kiếm tiền
Người ta biết đến Hồ Nguyễn như một doanh nhân có ảnh hưởng tại Đồng bằng sông Cửu Long, người đứng sau nhiều sáng kiến cộng đồng như Mekong Delta Forum, những dự án nông sản hữu cơ mang thương hiệu Mekong Đệ Nhất, và từng là nhà tổ chức sự kiện, nhà thầu có tiếng trong ngành MEP, xây dựng hay thành viên tích cực trong các phong trào công tác xã hội – thiện nguyện trong hai mươi năm qua. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau vẻ ngoài ấy là một hành trình dài đẫm mồ hôi, thiền định và tự chữa lành.

“Tôi chọn đi bộ để trở về – trở về với chính mình, với vùng đất mẹ, với từng ngọn lúa, từng tiếng rao, từng cây cầu gỗ mục mà tuổi thơ đã bước qua”, anh chia sẻ.

Đi bộ xuyên 13 tỉnh miền Tây trong hai năm qua không phải là một “màn trình diễn PR”, đó là một hành trình của chánh niệm. Nếu như chuyến bộ hành năm ngoái từ Sài Gòn về đến tận đất mũi Cà Mau là một hành trình của sự khởi đầu những ý nguyện về hạnh nguyện ”Miền Tây Hưng Thịnh” thì chuyến bộ hành hơn 250 km từ dòng sông Bảo Định Giang (Mỹ Tho) đến đỉnh Thiên Cấm Sơn các tỉnh còn lại của Miền Tây như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang trong năm nay… là hành trình trở về, bởi trên đoạn đường ấy anh đã đi qua từ nơi mình lớn lên (Tiền Giang), đến vùng đất của quê ngoại – nơi mình đã được sinh ra (Vĩnh Long). Mỗi ngày là đoạn đường 25–30km, anh ăn cơm chay, ngủ mái hiên, tắm nhờ những cây xăng trên hành trình. Và không ít lần đau nhức đến bật máu chân, nhưng anh Hồ Nguyễn không dừng lại.
Có người hỏi: “Đi bộ như vậy để được gì?”. Anh cười hiền: “Tôi không đi để được gì cả. Tôi đi để buông, để sống chậm hơn, và để nhìn lại.”
Những bước chân của Hồ Nguyễn không chỉ đạp lên sỏi đá, mà còn đi vào tim của nhiều bạn trẻ, những người đang hoang mang giữa những con đường sự nghiệp và cuộc sống. Anh không khuyên ai bỏ việc để đi bộ, nhưng anh truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: “Nếu không thể đi xa, hãy học cách đứng vững. Nếu không thể đi nhanh, hãy đi trong tỉnh thức.”
Ký ức, sự lặng yên và tương lai
Chuyến hành trình của Hồ Nguyễn đã khép lại trước ngày 01 -07-2025 lịch sử, theo như anh nói: ”Anh đã kịp hoàn thành lộ trình trước khi một số tỉnh của miền Tây khoác lên mình bộ áo mới.” Ta thấy rằng trong chuyến đi ấy chỉ có một người đàn ông với thân hình gầy, cao lìu khìu nhưng mang theo một trái tim đầy lửa. Anh gọi nó là “hành trình soi mình qua từng bước chân”. Và trong mỗi bước ấy, là một tiếng gọi quê hương, một ký ức về tiếng ru ngoại, một lời khấn nguyện cho vùng đất châu thổ này được hồi sinh.
Hai hành trình, hơn 600km, gần 1 triệu bước chân. Nhưng với Hồ Nguyễn, đó chỉ là khởi đầu cho một con đường lớn hơn: Con đường của sự phụng sự.
Sài Gòn – Cà Mau năm 2024: 358km
Bảo Định Giang – Thiên Cấm Sơn: 252km
Ở một thời đại đầy những giằng xé và đua chen, người trẻ có thể không chọn đi bộ, nhưng nhất định phải chọn một hành trình thật sự cho chính mình. Vì sống, không chỉ là tồn tại, mà là hiểu mình đang bước về đâu.