TP.HCM, ngày 6 tháng 5 năm 2025 – Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng và nguy cơ Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa Việt Nam, hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà sáng lập và chuyên gia chiến lược đã quy tụ tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza cho một buổi tối thảo luận cởi mở tại diễn đàn cấp cao “Vươn mình vượt biên giới: Lãnh đạo trong kỷ nguyên hội nhập khu vực” (Scaling Beyond Borders: Leading in an Era of Regional Integration).
Đây Sự kiện do nền tảng lãnh đạo Vanguard Việt Nam tổ chức, phối hợp cùng Singapore Leaders Network, nhằm tạo không gian cho các nhà hoạch định chiến lược hai quốc gia chia sẻ các hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng giữa bối cảnh kinh tế đầy biến động. Bên cạnh các bài phát biểu và tọa đàm từ các diễn giả cấp cao, sự kiện còn dành thời gian cho kết nối và giao lưu giữa các nhà lãnh đạo đến dự.

Lãnh đạo không thể đi tiếp bằng logic cũ
Sự kiện khởi đầu bằng phần chia sẻ truyền cảm hứng từ ông Cường Đặng – Nhà sáng lập Vanguard Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Forbes Vietnam. Trong vai trò người dẫn dắt phiên khai mạc, ông không nói nhiều về chiến lược, mà bắt đầu bằng điều cốt lõi hơn: tư duy lãnh đạo.
Trích dẫn Peter Drucker – “cha đẻ của ngành quản trị hiện đại”, ông Cường nhấn mạnh: “Điều nguy hiểm nhất trong thời kỳ biến động không phải là chính sự biến động, mà là tiếp tục hành xử bằng logic của ngày hôm qua.”
Ông hồi tưởng lại những doanh nhân Việt thế hệ đầu như Masan, TTC hay REE đã gầy dựng thành công trong điều kiện khó khăn, không bằng cấp Ivy League, không vốn quốc tế – chỉ với niềm tin vào bản thân và đất nước. Nhưng ông cũng khẳng định, thời đại đã khác. Tư duy cũ không còn phù hợp trong thế giới hiện nay – nơi mọi thứ thay đổi nhanh chóng và đầy phức tạp.

Tiếp nối, ông Nadir Ali Zafar – Giám đốc Trải nghiệm tại Học viện Lãnh đạo Nhân sự (HCLI), đồng thời là Giám đốc Singapore Leaders Network – nhấn mạnh vai trò của ba yếu tố: Lãnh đạo, Học hỏi và Kết nối (Lead, Learn, Link). Ông khẳng định: “Một ai đó phải đứng lên để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo toàn cầu. Đã đến lúc đầu tư nghiêm túc vào năng lực lãnh đạo – không chỉ để tồn tại, mà để vươn ra khu vực và toàn cầu.”
Tư duy chiến lược mới: Không còn kế hoạch 5 năm cứng nhắc
Tại phiên thảo, Ông Marco Breu – Chủ tịch Orionis Capital, Cố vấn cấp cao tại McKinsey & Company – mở đầu phiên chính với bài chia sẻ đúc kết từ hơn 25 năm đồng hành cùng các chính phủ và tập đoàn lớn khắp châu Á. Không nói về mô hình hay lý thuyết, ông bắt đầu bằng một lời cảnh tỉnh: “Thời đại của kế hoạch 5 năm bất di bất dịch đã kết thúc.”

Theo ông Breu, trong một thế giới biến động không ngừng, chiến lược không còn là một bản đồ chi tiết mà phải là một hệ sinh thái các sáng kiến – được phân tầng theo mức độ rủi ro và thời gian thực hiện.
“Doanh nghiệp cần một danh mục chiến lược – có thứ quen thuộc để duy trì ổn định, có thứ táo bạo để bứt phá, và quan trọng nhất là phải đủ linh hoạt để điều chỉnh theo tín hiệu thị trường.” Marco Breu cho rằng trong môi trường hiện tại, không có điều gì là chắc chắn đúng. Doanh nghiệp nào chờ đủ rõ ràng mới hành động thì đã trễ.
Tâm điểm sự kiện là phiên tọa đàm với sự tham gia của các lãnh đạo từ Masan Group, TTC AgriS, PNJ và REE Corporation – những đại diện tiêu biểu cho khát vọng mở rộng khu vực của doanh nghiệp Việt.
Tọa đàm lãnh đạo: Hành trình của những doanh nghiệp Việt vươn xa
Ông Michael H. Nguyễn, Phó Tổng giám đốc Masan Group, nhấn mạnh quá trình chuyển mình từ công ty FMCG truyền thống sang mô hình hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ. “Sở hữu 4.000 điểm bán và nền tảng khách hàng thân thiết, bạn không còn chỉ là người bán hàng – mà là người thấu hiểu hành vi tiêu dùng.”

Ông cho rằng, bên cạnh chuyển đổi hệ thống bằng công nghệ và dữ liệu, yếu tố con người là điều kiện đủ để chuyển hóa tổ chức. M&A không chỉ là thương vụ – mà là khả năng nắm bắt cơ hội và biến nó thành hiệu quả.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch TTC AgriS, kể lại hành trình nâng nông nghiệp lên chuẩn quốc tế với tư duy công nghiệp. “Một trái dừa có thể trở thành hơn 250 sản phẩm. Giá trị nằm ở cách ta khai thác, không phải chỉ ở khối lượng.” TTC đầu tư vào R&D tại Singapore, xây dựng nền tảng số cho nông dân tiếp cận tín dụng, và kết nối toàn chuỗi bằng công nghệ và tài chính.

Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ, nhấn mạnh sự chuyển mình từ một công ty vàng truyền thống thành thương hiệu thời trang trang sức. “Chúng tôi không còn là nơi mua vàng, mà là nơi gửi gắm cảm xúc.” Ông kể về việc tái cấu trúc nội bộ, thu hút nhân sự từ các công ty công nghệ lớn, và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng qua dữ liệu.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng giám đốc REE Corporation, đại diện cho một lát cắt khác – doanh nghiệp điềm tĩnh, kỷ luật, và đầu tư dài hạn. Từ cơ khí đến điện, nước, bất động sản, REE mở rộng bằng logic, không chạy theo trào lưu. “Chúng tôi không tăng trưởng bằng cú nhảy – mà bằng những bước đi chắc chắn.” Cổ phần hóa, theo ông, là điều kiện cần – nhưng tầm nhìn mới là thứ quyết định sự bền vững.
Kết nối khu vực – và mở rộng chính mình
Sự kiện khép lại bằng thông điệp đầy suy ngẫm từ ông Nadir Zafar: “Chiến lược cá nhân cũng như doanh nghiệp – cần một danh mục sáng kiến. Đó có thể là vai trò mới, kỹ năng mới hay ngành mới. Lãnh đạo cũng phải học cách thích nghi.”

Ông Cường Đặng nhấn mạnh: “Đêm nay không chỉ là chia sẻ ý tưởng. Hãy mang về một hành động táo bạo và một kết nối ý nghĩa. Đó là cách chúng ta mở rộng – không chỉ doanh nghiệp, mà cả bản lĩnh lãnh đạo.”
Sau đó, các đại biểu bước vào phiên networking và kết nối sâu hơn – khép lại một sự kiện tràn đầy cảm hứng, nhấn mạnh vai trò của hội nhập khu vực, chiến lược linh hoạt và kết nối con người trong giai đoạn mới.