Bộ sách nói trên gồm hơn 150 bài viết bút ký và những bài phỏng vấn trên các báo của GS Nguyễn Đăng Hưng, được sắp xếp khéo léo như một cuốn hồi ký về hành trình cống hiến không ngừng nghỉ của ông vì quê hương từ ĐH Liège (Bỉ) đến ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học APJCEN (trong vai trò Tổng Biên tập).

GS Nguyễn Đăng Hưng – người luôn dành trọn trái tim cho quê hương Việt Nam

Những người quen biết GS Hưng thường thắc mắc tại sao vị giáo sư 82 tuổi này đang có gia đình hạnh phúc, ngôi biệt thự xinh đẹp ở xứ Bỉ tại Bắc Âu – thiên đường của thế giới thay vì nghỉ ngơi, hưởng thụ bên con cháu thì mỗi năm, ông lại quay về Việt Nam gần 10 tháng, âm thầm tiếp tục cống hiến. Thường xuyên làm việc bên ông, chị Lê Ngọc Hân mới vỡ lẽ ra lý do của việc ấy chính là vì ông luôn yêu quê hương, ngày đêm nghĩ về đất nước.

Cho đến nay, GS Nguyễn Đăng Hưng là người châu Á duy nhất được trao Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (1999) và Huân chương “Đại sĩ quan của Hoàng gia”, Vương quốc Bỉ (2006).

Cả cuộc đời, GS Hưng luôn tích cực phụng sự xã hội” và gặt hái rất nhiều thành tích đáng nể hiếm có. Ông sở hữu hơn 200 bài nghiên cứu khoa học chất lượng quốc tế, đào tạo 318 thạc sĩ quốc tế; trong đó, hơn 100 học viên tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nhiều nước tiên tiến,…

Tập 1: Đi xa về gần mang những nhận xét của GS Hưng và những đề xuất của ông để giúp Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Ở tập 1: Đi xa về gần, GS Nguyễn Đăng Hưng tâm sự: “Tôi bắt đầu viết “Giấc mơ Việt Nam tôitừ năm 1976. Tôi nhớ tuổi thơ của mình và tự đặt ra câu hỏi, mình phải làm gì thiết thực cho Việt Nam? Giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ tiếp cận, đuổi kịp thế giới là điểm mạnh của tôi.”.

Chị Lê Ngọc Hân (ngụ tại P.Phước Long B, TP. Thủ Đức) – nhân viên Công ty Cổ phần Thiết kế và xây dựng Suối Nguồn, thành viên của Quỹ học bổng Trần Văn Khê cho biết chị đã quen biết GS Nguyễn Đăng Hưng từ lâu. Tuy nhiên, cách đây hai năm, chị Hân mới may mắn có nhiều thời gian trực tiếp trò chuyện cùng ông. Những câu chuyện về cuộc đời GS Hưng là bài học quý với chị Hân khi chị có dịp cộng tác cùng ông – người quân tử luôn nhất niệm “báo ân không báo oán” giữa cuộc đời sóng gió.

“Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở Việt Nam, lan tỏa tư duy của GS Nguyễn Đăng Hưng – người trọn cuộc đời xẻ đá, làm đường, dẫn lối cho thanh niên, cần học hỏi từ loạt bài “Đổi mới tư duy trong cải cách giáo dục” ở tập 1: Đi xa về gần”, ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước – người đồng hành với chị Lê Ngọc Hân trong nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử bày tỏ.

Khoác áo dài Việt, anh Duy và chị Hân diện kiến Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen (thứ 3, phải sang) và chúc mừng GS Nguyễn Đăng Hưng (thứ 3, trái sang) ở buổi ra mắt bộ sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” tại TP. HCM.

Tập 1: Đi xa về gần là tư liệu quý chứa đựng nhiều nhận xét thẳng thắn của GS Hưng cùng những đề xuất của ông để giúp Việt Nam “chuyển mình”, đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới, cụ thể như: Đổi mới tư duy trong cải cách giáo dục; Thay đổi căn bản mô hình trường học; Xếp hạng phân tầng giáo dục đại học,…

Mong muốn nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam, ở tập 1: Đi xa về gần, GS Hưng phân tích: “Chất lượng trung bình của các kỹ sư đào tạo ở Việt Nam còn kém. Nói chung, hiểu biết phổ thông cũng như căn bản của các em chưa đạt. Vốn sinh ngữ của các em chưa đủ. Tinh thần kỷ luật trong học vấn chưa được nghiêm túc và khoa học. Cách giao thiệp, xử thế như mất đi sự tinh tế thường gặp ở người phương Đông.”

Thấy rõ những hạn chế trên, suốt mấy mươi năm nay, GS Hưng đã vượt bao rào cản, miệt mài cống hiến, nỗ lực không ngừng để “tiếp tục đào tạo người thầy cho Việt Nam, những thạc sĩ, tiến sĩ chính hiệu chất lượng” (trích tập 1: Đi xa về gần) theo kinh nghiệm của các nước mà ông đã học hỏi được qua nhiều năm làm việc ở môi trường quốc tế. Các “quý nhân” thường bất ngờ xuất hiện bên ông, “tiếp lửa” để ông bước qua những chông gai của cuộc đời.

GS Hưng bộc bạch: “Tôi là người Việt Nam bình thường như bao người khác. Những điều tôi làm trong cuộc sống này cũng rất nhỏ nhoi, tôi đi học, du học, rồi nghiên cứu khoa học. Duy chỉ có một điều khác biệt là trong trái tim tôi luôn trăn trở và mang theo một giấc mơ. Đó là giấc mơ về việc tôi phải làm gì để đóng góp cho Việt Nam, để Việt Nam phát triển sánh vai với các nước bạn bè năm châu, thoát khỏi sự tụt hậu…” (trích tập 1: Đi xa về gần).

Để giúp Việt Nam tiếp cận các trường đại học quốc tế, từ năm 1994, GS Nguyễn Đăng Hưng đã tích cực liên lạc với Cơ quan Hợp tác phát triển (AGCD) tại Bruxelles cùng các đồng nghiệp tại Đại học Louvain-la-Neuve, Đại học Namur và Mons..; thuyết phục ông Erik Derycke – Bộ trưởng Bộ Hợp tác phát triển Liên bang Bỉ,… tài trợ dự án “Du học tại chỗ tại Việt Nam”.

GS Nguyễn Đăng Hưng đang ký tặng sách cho độc giả.

Nhờ đó, Bộ Hợp tác phát triển (Bỉ) đã tài trợ 10 triệu Franc Bỉ (tương đương 300 nghìn USD) trong 3 năm 1995, 1996, 1997 để hỗ trợ dự án EMMC – chương trình đào tạo Cao học Bỉ – Việt tại ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Tập 2: Còn mãi hương xa chứa đựng những trở trăn, băn khoăn của GS Hưng trong việc góp sức giúp Việt Nam phát triển hùng mạnh.

Tập 2: Còn mãi hương xa là loạt bài sẻ chia những suy nghĩ, trăn trở của GS Hưng trong việc góp sức giúp Việt Nam phát triển hùng mạnh, tiêu biểu như: “Điểm mạnh của chúng ta là sở học”; “Lãng phí “nguyên khí quốc gia” sẽ phương hại đến tương lai dân tộc”; “Nhà khoa học nên làm quản lý hay tập trung chuyên môn?”; “Cơ hội để Việt Nam quảng bá lập trường của mình về Biển Đông”,…

GS Hưng yêu quê hương đến mức đi bất cứ nơi nào ông cũng nghĩ về Việt Nam. Năm 2006, khi đến Tunisia, một quốc gia nhỏ ở Bắc Phi có nền kinh tế tương tự nước ta, quan sát ngành du lịch nước bạn phát triển, ông đã trầm tư suy nghĩ về lý do tại sao với số dân non 10 triệu người, nước này đã đón 6 triệu khách du lịch nước ngoài.

Trong các chuyến du lịch ở Tunisia, nhìn cách làm của xứ bạn, GS Hưng học hỏi được rất nhiều điều. Ông chia sẻ: “Tôi hiểu ra tại sao khách du lịch trở lại đây quanh năm: không có nạn nhũng nhiễu, đeo đuổi, kèo nài, xin xỏ… Tất cả chỉ là niềm nở, vui vẻ, hiếu khách. Hướng dẫn viên lại khá chuyên nghiệp, năng động, xông xáo, rành ngoại ngữ Pháp, Anh, Đức, Nhật…”.

Gặp gỡ PGS Hédi Hassis, đại diện ĐH Quốc gia Tunis (thủ đô Tunis, nước Tunisia), GS Nguyễn Đăng Hưng hỏi về mục tiêu nền giáo dục của Tunisia và nhận được câu trả lời rất thực tế: “Vấn đề của chúng tôi hiện nay học ra làm gì chứ không phải không có chỗ học.” (trích tập 2: Còn mãi hương xa).

Từng trang của bộ sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” đều mang đến nhiều bài học quý giá mà qua đó, GS Nguyễn Đăng Hưng đã mô tả tỉ mỉ hành trình “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” – vốn kinh nghiệm quý báu cho tất cả những ai quan tâm đến phát triển giáo dục, luôn mong muốn nâng tầm tri thức. “Giấc mơ Việt Nam tôi” là sự thể hiện kỳ vọng cả xã hội Việt Nam sẽ cùng đồng lòng, hợp sức tạo ra những chuyển biến tốt đẹp trong công tác “trồng người”.

Đôi nét về GS Nguyễn Đăng Hưng:

GS Nguyễn Đăng Hưng sinh ngày 1/1/1941 tại làng Bồ Mưng, xã Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

– Cựu học sinh trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An (Sài Gòn)

– Giáo sư thực thụ, Tiến sĩ Khoa học đặc biệt (docteur spécial) ĐH Liège (Bỉ)

– Người sáng lập Văn phòng đào tạo Cao học Bỉ – Việt EMMC (European Master in Mechanics of Construction) tại ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

– Huy chương của Hàn lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984)

– Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996)

– Được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm đổi thay nước Bỉ (Tuần báo VIF-EXPRESS, 16/7/1999)

– Huân chương “Đại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (1999)

– Huân chương “Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ” (2006)


Thắng Trân

Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn