Ảnh minh họa.

Bản chất của tuyên truyền nói chung và tuyên truyền pháp luật nói riêng là tác động vào ý thức của người nghe, người đọc để làm thay đổi nhận thức dẫn tới thực hiện hành vi. Để tác động vào ý thức của người nghe, người đọc thì thông tin pháp luật được tuyên truyền phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để người nghe, người đọc, nhìn thấy và nhớ.

Tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Điều 11 và 14 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, báo, đài phát thanh, đài truyền hình cấp tỉnh xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để phổ biến các quy định của pháp luật, tình hình thi hành pháp luật và các thông tin khác về pháp luật.

Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/cổng thông tin điện tử (Điều 3 Thông tư 38/2017/TT-BTTTT ngày 13/12/2017).

Cách thức tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đặc biệt là đài phát thanh và báo in khó có thể đo lường được số lượng người nghe, nhìn cụ thể và ai là người tiếp cận được thông tin cần quảng cáo/tuyên truyền. Hiện nay, ngành quảng cáo đã dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số, các bảng quảng cáo to lớn, được dựng dọc các con đường, tại các ngã tư, trên các tòa nhà cao tầng đang gặp rất nhiều khó khăn vì người quảng cáo không biết được ai và bao nhiêu người đã nhìn thấy hoặc nhìn và đọc những nội dung quảng cáo đó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp quảng cáo trên mạng internet, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube khi người dùng click vào một mẫu quảng cáo thì người quảng cáo có thể biết chính xác trong một giờ, một ngày, một tháng, một năm có bao nhiêu người quan tâm đến mẫu quảng cáo của họ và người xem quảng cáo là ai? Đó có thể là một bà nội trợ, là anh công nhân hay một bạn sinh viên.

Tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chỉ có phát hành, phát thanh, truyền hình ra công chúng mà không biết được ai sẽ tiếp nhận thông tin đó và có bao nhiêu người sẽ tiếp nhận thông tin. Do vậy, không thể đánh giá, đo lường được hiệu quả của công tác này một cách chính xác.

Một số đề xuất

Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác tuyền truyền

Để đánh giá hiệu quả hoạt động tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng cần có tiêu chí và công cụ để đo lường hiệu quả của công tác tuyên truyền, ở mức độ thấp nhất là phải xác định được có bao nhiêu người tiếp nhận được thông tin tuyên truyền. Khác với công tác tuyên truyền trực tiếp có thể xác định được số lượng người nghe, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng không thể xác định được số lượng người tiếp nhận thông tin tuyên truyền.

Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào số lượng chuyên mục, số lượng chương trình, thời gian phát sóng các nội dung về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chưa thể đánh giá hiệu quả của công tác truyền pháp luật. Hiện nay, ngành truyền hình có chỉ số rating, là đơn vị dùng để đánh giá sự quan tâm theo dõi của khán giả, khách hàng đối với một chương trình hay một sản phẩm cụ thể nào đó. Do vậy, cần có công cụ đo lường số lượng người có thể tiếp cận được thông tin tuyên truyền để làm thước đo xác định hiệu quả của công tác này.

 Thứ hai, về mặt nội dung tuyên truyền

(i) Đối với những quy định của pháp luật, Nhà nước cần tuyên truyền để nhân dân được biết thì các cơ quan thông tin đại chúng chủ động thực hiện tương đối dễ dàng và nội dung tuyên truyền đã được Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định tại Điều 10, Mục II Chương II từ Điều 17 đến Điều 22.

(ii) Đối với những quy định của pháp luật cần tuyên truyền đến đối tượng cụ thể để họ nắm bắt và thực hiện thì phải xuất phát từ nhu cầu thật sự của đối tượng được tuyên truyền, phải xuất phát từ nhu cầu bức xúc của người dân. Người tuyên truyền có thể chủ động nghĩ ra các nội dung tuyên truyền và cho rằng sẽ cần thiết với đối tượng người nghe, người đọc nhưng không có cơ sở để khẳng định điều này là đúng vì người nghe, người đọc có thể có những nhu cầu khác.

Do vậy, nội dung tuyên truyền phải bám sát vào thực tiễn, diễn biến và tâm lý xã hội cụ thể. Khi có những sự việc nổi cộm trong xã hội, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, đang có một làn sóng truyền thông, xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau thì cần tuyên truyền ngay pháp luật về lĩnh vực đó để dễ lan tỏa hơn.

Ví dụ, khi có việc ly hôn và chia tài sản của người có ảnh hưởng trong xã hội được nhiều người quan tâm, đặc biệt là việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì các phương tiện thông tin đại chúng có thể tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình để người dân biết và nắm bắt kịp thời. Khi có những sự việc nổi cộm như vậy, dư luận xã hội quan tâm thì sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để tuyên truyền nội dung pháp luật có liên quan.

(iii) Tuyên truyền pháp luật không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng tình ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, cần có bài phân tích, đánh giá dưới góc độ pháp luật về những hành vi vi phạm pháp luật cụ thể để người nghe, người đọc có cái nhìn sâu hơn, toàn diện trong việc sự việc cụ thể, từ đó tác động đến ý thức pháp luật của đối tượng được tuyên truyền.

Thứ ba, về thời gian tuyên truyền

Cần tính toán thời gian tuyên truyền sao cho đối tượng tuyên truyền có thể tiếp cận được thông tin cần tuyên truyền. Ví dụ, nếu tuyên truyền pháp luật cho người lao động thì thời gian phát thanh, phát sóng phải vào thời gian người lao động không làm việc, nếu phát trong giờ làm việc thì người lao động không thể nghe, xem được.

Thứ tư, về hình thức tuyên truyền

Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật. Không chỉ là tuyên truyền viên trình bày quy định của pháp luật, hỏi và đáp mà cần lồng ghép chương trình tuyên truyền pháp luật vào nhiều chương trình khác nhau, xây dựng những tình huống, hoạt cảnh và phát những đoạn video ngắn. “Một nghiên cứu năm 2015 của Google về hàng ngàn mẩu quảng cáo của YouTube TrueView đã chỉ ra những đặc điểm của những video mà người xem không bỏ qua, chúng chứa những câu chuyện, khuôn mặt người và các loại hoạt hình” [1].

Thứ năm, ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền

Bản chất của tuyên truyền nói chung và tuyên truyền pháp luật nói riêng là tác động vào ý thức của người nghe, người đọc để làm thay đổi nhận thức dẫn tới thực hiện hành vi. Để tác động vào ý thức của người nghe, người đọc thì thông tin pháp luật được tuyên truyền phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để người nghe, người đọc, nhìn thấy và nhớ. Đây là một trong cách thức của quảng cáo nằm để tác động vào ý thức, hành vi của con người. Do vậy, cùng một nội dung pháp luật, có thể tuyên truyền nhiều lần để đối tượng tác động có thể nhớ và khi cần thiết tìm hiểu lại vấn đề đang quan tâm, đối tượng tuyên truyền phải có thể tìm thấy được thông tin mình cần ngay.

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đều có trang thông tin điện tử nên có thể áp dụng sự tiến bộ của công nghệ 4.0 để lưu trữ thông tin tuyên truyền dưới nhiều dạng khác nhau nhằm giúp đối tượng tuyên truyền có thể chủ động tiếp cận thông tin tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, ở mỗi tỉnh, thành cần thành lập một chuyên trang thông tin điện tử về tuyên truyền pháp luật để đối tượng tuyên truyền dễ tiếp cận thông tin pháp luật tuyên truyền. Thông tin lưu trữ trên website có thể dưới nhiều dạng khác nhau như: thông tin pháp luật cần tuyên truyền, thông tin hỏi đáp về pháp luật, file ghi âm nội dung hỏi đáp, những video clip hoặc hoạt hình ngắn về các tình huống pháp luật.

Nếu tồn tại một trang web như vậy, cơ quan chủ quản hoàn toàn biết chính xác số lượng người truy cập tìm hiểu thông tin tuyên truyền, những nội dung tuyên truyền nào được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và những hình thức tuyên truyền nào (dưới dạng hỏi đáp hay video clip, hoạt hình) được nhiều người dùng thích hơn. Đây là một công cụ hữu hiệu để đo lường, đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

[1] Philip Kotler, Tiếp thị 4.0 Dịch chuyển từ Truyền thống sang Công nghệ số, Nhà xuất bản trẻ, TP. HCM, in lần thứ 3 năm 2018.

Luật sư, Thạc sĩ TRƯƠNG NHẬT QUANG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

NGUỒNlsvn.vn
Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn