Ngày 18/2/2021, tại TP Cần Thơ, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có buổi làm việc với giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhằm trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ… cùng dự.
Tại buổi làm việc, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT báo cáo về tình hình trồng trọt hiện nay, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp phòng chống hạn mặn năm 2021 ở vùng ĐBSCL. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL báo cáo, đánh giá về sản xuất nông nghiệp cũng như việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại ĐBSCL. Qua đó, đề xuất nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần đổi mới, không làm nông nghiệp theo tư duy mùa vụ mà phải có chiến lược phát triển đồng bộ, bền vững. Đặc biệt, cần lưu ý nền nông nghiệp đang ở thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kéo theo nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số… và những giá trị mới đó sẽ làm bật dậy sức sống của ĐBSCL, chứ chỉ dựa vào năng suất và sản lượng thì sẽ phát triển rất chậm. Cần kịp thời quán triệt, hiện thực hóa các nội dung trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, cụ thể là thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kinh tế nông thôn, hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xây dựng, tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng, giá trị, giảm chi phí đầu vào…
Lần đầu tiên có đầy đủ 13 Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL
Lần đầu tiên có đầy đủ 13 Giám đốc Sở NN-PTNT đến tham dự nhân dịp đầu năm mới. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong buổi trao đổi này như an ninh nguồn nước, phát triển HTX, OCOP, tái cơ cấu nông nghiệp.
Đồng ý ĐBSCL nông nghiệp là thế mạnh, nhưng còn nhiều vấn đề trăn trở. ĐBSCL dựa vào nông nghiệp và cây lúa quá lâu làm cho thành quả còn hạn chế. Xu thế ngày nay vận động rất nhanh nên việc chuyển đổi phải tốc độ, nông nghiệp làm hạn chế. Cái bất lợi, hạn chế của nông nghiệp chúng ta cần cân nhắc để phát triển. Đầu tư vào nông nghiệp cần bám vào Nghị quyết 120, thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL cần đầu tư xây dựng các hồ nhân tạo để trữ nước
ĐBSCL hiện nay đang có 14 hệ thống thủy lợi được xây dựng. Lượng nước về ĐBSCL đang giảm rất rõ rệt nên phải thay đổi lại cơ cấu cây trồng và mùa vụ. Lượng phù sa thay đổi rất lớn và tình hình sạt lở phức tạp. ĐBSCL chủ yếu có hai nguồn nước đổ về là từ sông Mekong và biển hồ nhưng hiện nay rất ít. Chính vì vậy tình hình xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL ngày càng sâu hơn.
Định hướng để bảo vệ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần đầu tư xây dựng các hồ nhân tạo để trữ nước. Quy hoạch sản xuất để giảm khai thác sử dụng nguồn nước ngọt quá mức. ĐBSCL với nhiều lợi thế so với các vùng khác nhưng đang bị tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần phải có tầm nhìn chiến lược để khai thác tối ưu lợi thế tự nhiên cho vùng đất này.
Thời gian tới cần khởi động lại nhóm lúa xuất khẩu
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, đến giờ này cơ bản đã vượt qua được hạn mặn. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, có thể nói một năm năng suất đạt cao nhất. Hiện nay có 3 nhóm giống, nhóm dành cho chế biến, nhóm chất lượng cao và nhóm đặc sản. Theo dự báo, tình hình xuất khẩu gạo đang rất rộng nên không lo ngại giá lúa giảm.
Định hướng thời gian tới cần khởi động lại nhóm lúa xuất khẩu. Riêng về cây ăn trái có 5 loại phục vụ cho xuất khẩu. Định hướng, khi tổ chức sản xuất cần dự tính dự báo, phải có bản đồ số hóa. Mục đích cuối cùng phải gia tăng được giá trị sản phẩm.
Tin tổng hợp