Cùng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành gỗ ở khu vực Đông Nam bộ đã nỗ lực vượt khó, mang lại kết quả kinh doanh ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
Giá trị xuất khẩu tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ ước đạt gần 4,78 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 21,5% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với thị trường chính là Nhật Bản, Singapore, Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là thị trường Mỹ đang chiếm hơn 65%.
Từ nhiều năm trước, không ít DN trên địa bàn đã chinh phục được thị trường Mỹ và đến nay đã có đơn hàng ổn định, đầu ra lớn. Lãnh đạo Công ty TNHH Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên mở rộng), cho hay, sản phẩm thế mạnh và được xuất khẩu nhiều nhất của công ty là bàn ghế, tủ, các sản phẩm nội thất khác.
Toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 600 DN xuất khẩu gỗ và đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao, đồng thời thay đổi phương thức xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử như Amazon, Alibaba,… nên đã tiếp cận được với khá nhiều khách hàng mới, đơn hàng cũng đã ký đến hết năm 2021.
Với ngành gỗ tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt hơn 1,3 tỷ USD; tăng 7,72% so với vùng kỳ, đứng thứ 2 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả tỉnh.
Ông Vũ Trọng Mạnh, chủ một DN gỗ có tiếng tại phường Hố Nai, TP Biên Hòa, cho biết, công ty chuyên sản xuất bàn ghế, tủ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đầu ra, đơn hàng ổn định và công ty đã nhận đơn hàng đến quý 3-2021. Từ đó có thể thấy rằng thị trường xuất khẩu gỗ năm nay sáng sủa hơn năm trước, vì nhiều DN đã có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Theo lãnh đạo BIFA, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt được như trên là do từ nửa cuối năm 2020, Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 tương đối tốt, các DN trong ngành có điều kiện đẩy mạnh sản xuất và nhận được nhiều đơn hàng, nhất là hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Rất nhiều DN lớn trên thế giới đã có sự dịch chuyển sản xuất, đơn hàng sang Việt Nam, nhiều DN cũng mạnh dạn sản xuất gối đầu, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang trực tuyến và đã nhận được các hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2021.
Đáng chú ý, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ đã mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước trong khối EU.
Cần thêm nguồn vaccine
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, với kết quả trong những tháng đầu năm 2021 và nếu tình hình dịch những tháng cuối năm được kiểm soát thì giá trị xuất khẩu gỗ cả nước vẫn đạt 15-15,5 tỷ USD như mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài cũng làm cho mạch tăng trưởng dài hạn khó được duy trì. Theo lãnh đạo Công ty TNHH gỗ Minh Phát 2 (một trong những DN chế biến gỗ lớn nhất của tỉnh Bình Dương), phần lớn là xuất khẩu các mặt hàng tồn kho, sản phẩm gối đầu đã sản xuất trong lúc dịch bệnh được kiểm soát.
Hiện công ty chỉ cho 100 nhân viên làm việc với công suất khoảng 20% do ưu tiên công tác phòng chống dịch, bộ phận nào không an toàn sẽ tạm ngừng hoạt động và thời gian tới sẽ chỉ tiếp nhận lao động đã được tiêm vaccine để đảm bảo sản xuất ổn định. Nhiều DN khác, kể cả DN áp dụng 3 tại chỗ cũng không thể hoạt động tối đa công suất.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, tiềm năng phát triển ngành gỗ Bình Dương còn rất lớn và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra với điều kiện lao động trong ngành sớm được tiêm đủ mũi vaccine, đảm bảo đủ nhân lực và khơi thông chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa.
Đến nay, BIFA đã có kiến nghị ưu tiên phân bổ vaccine Covid-19 cho lao động trong ngành và tiếp tục đề xuất Chính phủ có hỗ trợ về chính sách, vốn, thuế, truyền thông để xây dựng một khu công nghiệp chuyên ngành, từ đó các DN có thể hỗ trợ lẫn nhau về lao động, đơn hàng, đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, cạnh tranh quốc tế…
Ngoài việc cần vaccine để tiêm cho công nhân, ngành chế biến gỗ Đồng Nai hiện phải giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ phân tán với hầu hết các cơ sở, DN chế biến gỗ nhỏ và vừa, hoạt động đan xen trong các khu dân cư, số DN hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất thấp (gần 4%) và chủ yếu sản xuất gia công cho các DN lớn.
Nguồn SGGP