Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chiều 6/12.
TP.HCM chưa phát hiện người nhiễm biến chủng Omicron
Tại cuộc họp báo, Zing đặt câu hỏi về giải pháp ngành y tế triển khai ứng phó với biến chủng Omicron. Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết biến chủng Omicron đang là vấn đề “nóng bỏng” nhất hiện nay. Đây là chủng nCoV quá mới, đáng lo ngại bởi tỷ lệ lây lan gấp 5 lần biến chủng cũ.
Tuy nhiên, HCDC chưa thể thông tin được về độc lực, tính chất kháng vaccine của biến chủng này. Ngành y tế thành phố cũng có kế hoạch ứng phó để phát hiện, ngăn ngừa biến chủng xâm nhập.
Theo ông Tâm, hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện biến chủng này. Do đó, giải pháp đầu tiên là ngăn chặn từ biên giới, nguồn xuất nhập cảnh qua tiểu ngạch và chính ngạch.
Với trường hợp nhập cảnh chính ngạch hàng không, người đã tiêm đủ liều vaccine được cách ly tập trung 7 ngày, nếu âm tính thì cách ly tại nhà tiếp 7 ngày. Người nhập cảnh qua đường hàng hải cũng tương tự, hoặc họ có thể cách ly ngay tại tàu.
HCDC cũng phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để giải trình tự gene tất cả mẫu bệnh phẩm của người nhập cảnh dương tính. “Đến nay, qua các giải trình tự gene, TP.HCM chưa phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron”, ông Tâm nói.
Tình huống nhập cảnh qua đường tiểu ngạch theo ông Tâm là “vấn nạn” đáng lo ngại, nhất là người nhập cảnh trái phép từ biên giới, sau đó vào TP.HCM.
“Ngành y tế cũng phối hợp công an rà soát, nếu phát hiện trường hợp nào thì HCDC cũng nhanh chóng đề nghị giải trình tự gene để xác định chủng nCoV”, lãnh đạo HCDC nói thêm.
Theo ông Tâm, giải pháp thứ 2 là ngành y tế cũng sẵn sàng ứng phó trong từng cấp độ dịch, phù hợp diễn biến dịch có thể lây lan nhanh, nhất là tăng cường lực lượng cho trạm y tế, trạm y tế lưu động. Hiện lực lượng quân y tăng cường trạm y tế lưu động cũng là giải pháp ứng phó tình hình F0 tăng nhanh do chủng cũ và kể cả chủng mới.
“Bất kể chủng virus nào, việc tăng cường tiêm mũi vaccine bổ sung, tiêm nhắc lại rất quan trọng”, ông Tâm cho biết.
Thành lập thế trận y tế ứng phó Omicron
Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, vừa qua, cơ quan này đã phối hợp Bộ Tư lệnh và Công an TP tham mưu “thế trận y tế”.
Với thế trận này, 3 bộ phận liên quan được thành lập với chức năng đánh, nhận diện từ xa và tác chiến hiệu quả để khống chế, dập dịch nếu phát hiện biến chủng mới.
“Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế, TP.HCM sẽ có bệnh viện để tiếp nhận, sàng lọc để người bị nhiễm biến chủng này được điều trị tập trung tại nơi riêng biệt”, bà Mai thông tin.
Theo bà Huỳnh Mai, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM quyết định đưa bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron vào Bệnh viện dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM). Bệnh viện này đã giải thể và hoàn thành sứ mệnh trước đó.
“Bệnh viện này đang trống, tương đối biệt lập theo từng block tòa nhà. Do đó, lực lượng y tế sẽ dễ dàng phân biệt nhóm nguy cơ, người nhiễm bệnh. Lực lượng y bác sĩ cũng có bộ phận tăng cường để đáp ứng nếu số lượng bệnh nhân tăng cao”, bà Mai thông tin.
Về nguyên nhân số lượng bệnh nhân nặng, tử vong ở TP.HCM vẫn còn cao, mặc dù thành phố đã có tỷ lệ tiêm vaccine cao, bà Mai cho biết trường hợp F0 tử vong hiện nay ở thành phố vẫn rơi vào nhóm cao tuổi, chủ yếu là người trên 65 tuổi, có bệnh nền. Họ chưa được tiêm vaccine nào hoặc tiêm chưa đủ.
Trước tình hình đó, Sở Y tế TP.HCM đã ra kế hoạch chăm sóc, bảo vệ đối tượng nguy cơ. Theo kế hoạch này, toàn bộ người trên 65 tuổi sẽ được rà soát theo danh sách từng hộ gia đình. Các cơ sở y tế địa phương sẽ đến từng nhà để xét nghiệm, tư vấn sức khỏe và nhanh chóng tiêm vaccine cho họ.
Người có nguy cơ chuyển thành F0 sẽ lập tức chuyển viện điều trị hoặc cách ly, điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện.
“TP.HCM sẽ triển khai mạnh kế hoạch này, duy trì đến hết năm nay, làm sao tất cả người nguy cơ cao được chăm sóc chu đáo, ngành y tế kỳ vọng số ca tử vong sẽ giảm sâu”, bà Mai nói.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18h ngày 5/12, 478.922 F0 phát hiện tại thành phố được Bộ Y tế công bố.
Toàn thành phố có 13.681 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 ca nặng đang thở máy, 14 người phải can thiệp ECMO.
Trong ngày 5/12, thành phố có 958 F0 nhập viện, 927 người khỏi Covid-19. 69 ca tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn là 18.498). Về tiến độ vaccine, tổng số mũi 1 đã tiêm đến nay là 7.929.329, mũi 2 là 6.819.561.
Nguồn ZingNews