Ngày 22/11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững” với mục tiêu hướng doanh nghiệp đến xu hướng tương lai “phát triển bền vững”, đồng thời thông qua sức mạnh của thương hiệu tạo ra tác động mãnh liệt hơn để thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, vừa qua, UBND TPHCM phân công Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố chủ trì phối hợp với Sở Công Thương TPHCM xây dựng“Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Hiệp hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất đặt hàng nghiên cứu xây dựng các chính sách đột phá nhằm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu trên địa bàn TPHCM. Kết quả của nhiệm vụ không chỉ là cơ sở khoa học để tham mưu thành phố “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu” mà còn là cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai đến các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa có tiềm năng.

Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực đang tạo ra xu thế dẫn dắt, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, từ đó tạo nền tảng để thương hiệu doanh nghiệp phát triển bền vững. Đơn cử trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2019 Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã tuyên bố ngưng kinh doanh ống hút nhựa trên quầy kệ và thay bằng ống hút giấy, ống hút inox, thép an toàn, thủy tinh dành cho cá nhân có thể sử dụng nhiều lần. Quyết định này của Saigon Co.op không chỉ góp phần tạo ra xu hướng tiêu dùng cho người dân mà còn tạo áp lực buộc các doanh nghiệp sản xuất phải thay đổi.

Trong lĩnh vực sản xuất dệt may, từ năm 2008, Công ty cổ phần Kết nối Thời trang – Faslink đã nghiên cứu và sản xuất các dòng vải xanh, tái chế thân thiện với môi trường như vải từ sợi cà phê, sợi sen, than tre… trong đó vải sợi cà phê chiếm tỉ trọng cao nhất. Từ đó, Faslink đã liên kết với các đối tác dệt may nội địa để ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi cà phê cho các sản phẩm như vớ, jeans, quần tây…

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, để có thể xây dựng thương hiệu tạo xu hướng, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần chính sách hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn. Bởi lẽ, trên 90% doanh nghiệp Việt hiện đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực vốn hạn chế nên rất khó để thành công.

Các chuyên gia cho rằng phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, tiếp tục lấy đó là “kim chỉ Nam” cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.

Nói thêm về sức mạnh của thương hiệu dẫn dắt bền vững, bà Trần Tuệ Tri – Đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose cho rằng phát triển bền vững sẽ là câu chuyện có tính thời đại, lan tỏa, ý nghĩa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Phát triển bền vững là điểm khác biệt giúp xây dựng thương hiệu Việt Nam, ghi danh trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Bởi đây không chỉ là vấn đề chung của thế giới, điều bắt buộc để cạnh tranh, mà còn là điều người dân mong muốn, nhà đầu tư và du khách hướng tới.

Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn