Tháng 5/2021 là Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được tổ chức với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” nhằm đẩy mạnh, nâng cao các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.

Những chuyển biến tích cực

Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức trên phạm vi toàn quốc với những mục tiêu, những tiêu chí nhắc nhở, là khẩu hiệu hành động, đó là: Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động;  Môi trường làm việc an toàn –  Tốt cho bạn, cho doanh nghiệp; Doanh nghiệp và người lao động chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm về ATVSLĐ; Bảo vệ sức khỏe người lao động – Bảo vệ nguồn nhân lực của đất nước…

Tháng hành động về ATVSLĐ được đặt ra trong bối cảnh an toàn, vệ sinh lao động những năm qua diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn rất đau lòng đã xảy ra, cần phải có những biện pháp quyết liệt, cụ thể để chuyển biến tình hình.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016- 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

So với giai đoạn 2011-2015, tần suất tai nạn lao động (TNLĐ) chết người giai đoạn 2016-2019 giảm 16,99%. Số người lao động đã được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN) là 960.089, chiếm tỷ lệ 43,68% tổng số mắc nguy cơ; trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, trong đó có trên 445 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

Đã có trên 4.500 người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLD cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn và trong ban quản lý các khu công nghiệp; trên 65.000 người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, gần 33.000 người làm công tác ATVSLĐ, trên 8.000 người làm công tác y tế cơ sở và trên 5.000 an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ phổ biến thông tin về ATVSLĐ thường xuyên, liên tục tại 63 tỉnh/thành phố, 80% làng nghề (2.350 làng nghề), 70% số hợp tác xã (14.966 hợp tác xã) có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ, đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 6 loại hình làng nghề với 60 làng nghề đã ứng dụng thành công mô hình quản lý ATVSLĐ.

Những mục tiêu đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, do tình hình khó khăn chung của cả nước nên việc thực hiện Chương trình cũng gặp một số khó khăn như: Khó triệu tập người làm công tác ATVSLĐ, người sử dụng lao động tham gia các lớp huấn luyện; Còn hạn chế trong phối hợp xây dựng hệ thống quản lý và mô hình kỹ thuật; Công tác tư vấn, hỗ trợ người làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia phòng, chống TNLĐ khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa đạt hiệu quả cao… Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách về ATVSLĐ ở cấp huyện, cấp xã còn là cán bộ kiêm nhiệm, công việc nhiều, chuyên môn trong lĩnh vực an toàn không sâu nên càng khó khăn trong công tác tuyên truyền.

Do đó, Chương trình giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu: Duy trì mục tiêu giảm 5% tần suất TNLĐ, tần suất TNLĐ chết người; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ, khám phát hiện BNN; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có sử dụng thiết bị nâng, thiết bị áp lực áp dụng các biện pháp, quy trình làm việc an toàn trong sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bên cạnh đó, bảo đảm 100% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có TNLĐ, BNN thực hiện báo cáo TNLĐ, BNN; 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Trong đó, ưu tiên các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN. Đối với khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là các lĩnh vực: Khai khoáng; Sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; Thi công công trình xây dựng; Đóng và sửa chữa tàu biển; Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Sản xuất sản phẩm dệt, may… Đối với các làng nghề ưu tiên lĩnh vực: Cơ khí; Tái chế phế liệu; Chế biến lương thực, thực phẩm; Ươm tơ, dệt nhuộm, may mặc; Thủ công mỹ nghệ; Sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá.

Giải pháp cụ thể

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐ-TB-XH đặt ra các nội dung cần nghiên cứu, thực hiện như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN; Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; Thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để người sử dụng lao động, người lao động và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia triển khai và hưởng ứng các hoạt động của Chương trình. Đồng thời, đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về công tác ATVSLĐ

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực để thực hiện công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, mở rộng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực hiện công tác ATVSLĐ với quốc tế, đặc biệt là các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN); Tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế về ATVSLĐ mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về ATVSLĐ để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN (như: khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, xây dựng…)

Thứ năm, kiện toàn bộ máy triển khai Chương trình trên cơ sở vẫn đảm bảo thực hiện tốt việc tinh giản biên chế: Bố trí người tham gia vào việc quản lý và điều hành các hoạt động của Chương trình theo chế độ kiêm nhiệm.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân

Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn