Thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch 5/5, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực hồi phục trong ngày trước đó, đánh dấu phiên giảm điểm nhiều nhất kể từ năm 2020.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1.063 điểm, tương đương 3,12%, xuống 32.997,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm gần 5% xuống 12.317,69 điểm, thấp nhất từ tháng 11/2020. Phiên giao dịch ngày 5/5 chính là phiên giảm điểm sâu nhất của hai chỉ số trên trong 2 năm trở lại đây.

Chỉ số S&P 500 giảm 3,56% còn 4.146,87 điểm trong phiên giảm điểm mạnh thứ hai tính từ đầu năm.

Thị trường quay đầu giảm mạnh ngay sau phiên giao dịch tích cực trước đó, khi chỉ số Dow Jones tăng 932 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,99%, và chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,19%.

Nỗ lực phục hồi đã bị “thổi bay” chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng ngày hôm qua. 

“Sẽ là bình thường nếu như thị trường tăng 3% trong hôm trước và giảm 0,5% trong ngày hôm sau. Nhưng việc thị trường thổi bay toàn bộ nỗ lực tăng điểm trong phiên giao dịch trước đó chỉ trong nửa phiên là điều không xảy đến thường xuyên”, theo Randy Frederick, giám đốc giao dịch và các sản phẩm phái sinh tại Schwab Center for Financial Research.

Cổ phiếu nhiều công ty công nghệ lớn một lần nữa bị bán tháo. Giá cổ phiếu của Meta Platforms và Amazon giảm lần lượt 6,8% và 7,6%. Giá cổ phiếu của Microsoft giảm khoảng 4%. Salesforce giảm 7,1%. Apple giảm gần 5,6%.

Các cổ phiếu doanh nghiệp thương mại điện tử cũng sụt giảm mạnh sau khi báo cáo lợi nhuận không mấy sáng sủa được công bố. Giá cổ phiếu của Etsy và eBay giảm lần lượng 16,8% và 11,7%. Giá cổ phiếu của Shopify giảm gần 15% sau khi không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh quý.

Diễn biến xấu của các cổ phiếu trên đã khiến cho chỉ số Nasdaq có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm qua.

Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng có sự đảo chiều trong ngày hôm qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, bật tăng cao hơn mốc 3%, thiết lập đỉnh mới kể từ năm 2018. Lợi suất trái phiếu tăng tạo áp lực không nhỏ lên các cổ phiếu tăng trưởng công nghệ, vì chúng trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Trong ngày 4/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,5%, đồng nhất với dự báo của không ít người. Cơ quan này cho biết họ sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối tài sản từ tháng 6. Tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell chia sẻ rằng Fed sẽ “không chủ động cân nhắc” phương án tăng lãi suất 0,75% và đây chính là nguyên nhân đứng sau đà tăng trên thị trường chứng khoán.

Hiện tại, Fed vẫn tương đối cởi mở đối với phương án tăng lãi suất lên cao hơn ngưỡng mục tiêu nhằm kiểm soát lạm phát, theo Zachary Hill, giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại Horizon Investments.

“Dù đã và đang triển khai nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, Fed vẫn hoàn toàn có thể đẩy nhanh quá trình này trong thời gian tới”, ông nói. “Trừ khi cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng được giải quyết và người dân quay trở lại thị trường lao động, bất kỳ phiên tăng điểm nào trên thị trường chứng khoán đều không bền vững”.

Các mã cổ phiếu gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm điểm trong phiên giao dịch 5/5. Giá cổ phiếu của Caterpillar giảm gần 3%, JPMorgan Chase giảm 2,5%. Home Depot giảm hơn 5%.

David Rubenstein, đồng sáng lập Carlyle Group, cho biết nhà đầu tư cần phải “thực tế” về những khó khăn mà thị trường và nền kinh tế đang đối diện, trong đó có lạm phát và cuộc xung đột Ukraine.

“Chúng tôi dự báo Ủy ban thị trường mở liên bang sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong kỳ họp lần tới. Siết chính sách là điều hiển nhiên, nhưng tôi cho rằng Fed sẽ không siết chặt tới nỗi khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, dù những thách thức kinh tế trước mắt nước Mỹ là không hề nhỏ”, ông phát biểu trong chương trình Squawk Box của đài CNBC.

Làn sóng bán tháo bao phủ phần lớn thị trường chứng khoán Mỹ. Hơn 90% mã cổ phiếu trong nhóm S&P 500 chìm trong sắc đỏ. Ngay cả những mã cổ phiếu “khỏe” trong suốt thời gian qua cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm của thị trường.

Theo CNBC

Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn