Chia sẻ với MEKONG ASEAN, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết bản thân luôn băn khoăn với câu hỏi làm sao để nâng tầm nông sản Việt, từ đó giúp người nông dân gia tăng thu nhập. Đây là điều được ông coi như kim chỉ nam cho hoạt động của GC Food.

Nhấn mạnh những khó khăn của bà con nông dân hiện nay, ông dẫn chứng máy cày vốn là công cụ sản xuất tối thiểu nhất và người nông dân ở các nước láng giềng như Lào hay Campuchia hầu như đều có công cụ này. Nhưng tại một số vùng của Việt Nam, thậm chí người nông dân cũng không thể trang bị loại máy móc cơ bản này vì quá khó khăn.

Trong khi đó, theo ông Thứ, nhiều người tiêu dùng Việt lại “có thói quen xấu” là xu hướng trả giá nông sản đến mức thấp nhất có thể mới quyết định mua. Chính điều này dẫn đến việc từ các doanh nghiệp đến các thương lái chỉ cạnh tranh nhau về giá. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến chất lượng sản phẩm bị bỏ ngỏ, giá thành nông sản thấp và càng làm cuộc sống người sản xuất nông sản khó khăn hơn.

Theo ông Thứ, nếu thực hiện được cách định giá sản phẩm như vậy thì chất lượng nông sản Việt cũng như giá bán của người sản xuất sẽ tăng cao hơn. Đây là động lực để ông kỳ vọng thực hiện một công thức tính giá nông sản khác biệt so với lối mòn vẫn thường làm từ trước đến nay đối với mặt hàng này.Để giải được mâu thuẫn trong bài toán giá và chất lượng nông sản như trên, GC Food đã bắt đầu đi từ những bước đầu tiên là đồng bộ tiêu chuẩn vùng nguyên liệu cho đến sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp này hướng đến định giá bán sản phẩm nông sản theo mô hình dựa trên các chi phí tiêu hao để tạo ra sản phẩm đó, cộng thêm lợi nhuận kỳ vọng trung bình của người nông dân.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, ông Thứ liệt kê các khoản chi phí làm ra sản phẩm trên mỗi ha gồm: Đầu tư đất thuê 10tr/ha, thuê nhân công 10 triệu/ha, chi phí phân bón thuốc trừ sâu 10 triệu/ha, tổng số đầu tư bằng 40 triệu đồng. Với số tiền đầu tư ban đầu này cộng với mong muốn lợi nhuận ước tính là 20 triệu đồng mỗi ha, thì giá bán số sản phẩm thu được trên mỗi ha của người nông dân sẽ vào khoảng 60 triệu đồng.

Từ cách định giá này, các thương lái sẽ mang số sản phẩm trên đi các kênh tiêu thụ với mong muốn giao được mức 80 triệu đồng để có lãi. Theo đó, thu nhập của người nông dân phải căn cứ vào công thức định giá bán nông sản cố định tính bằng chi phí sản xuất cộng với kỳ vọng lợi nhuận làm nền tảng. Đây là cách làm mà các nền nông nghiệp tại Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu vẫn thường áp dụng.

Điều này cũng giống như tư duy mà Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thường chia sẻ rằng, người nông dân cần có tư duy một doanh nghiệp, cần làm nông nghiệp với tư duy một nhà kinh tế thì số phận người nông dân mới có thể thay đổi được và giá trị nông sản theo đó cũng tăng lên.

Muốn làm được điều này, theo Chủ tịch GC Food cần phải có sự đồng thuận xã hội để người nông dân bớt khó khăn và có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, không còn phải cạnh tranh về giá với nhau một cách tiêu cực như trước. Ông cũng lý giải rằng hiện nay với mức lạm phát thì người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi mức chi phí cho lương thực thực phẩm theo hướng chấp nhận có sự điều chỉnh tăng lên.

Để làm được điều này, theo ông Thứ điều quan trọng đầu tiên là cần có vùng trồng đạt tiêu chuẩn cao, có thể cung cấp số lượng sản phẩm quy mô lớn. Sau đó, nguồn nguyên liệu được đưa vào các nhà máy chế biến, tiến hành sơ chế và đóng gói để lưu trữ bảo quản, rồi lưu thông đến các điểm bán hàng.Để giải quyết những bất cập của sản xuất nông sản hiện nay và cải thiện chất lượng nông sản, đồng thời mang lại quyền lợi tương xứng cho các bên trong chuỗi cung – ứng, Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ đã tập trung tạo dựng một mô hình mà ông gọi là “chuỗi thực phẩm hạnh phúc”, với các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng và giá bán làm hài lòng các bên.

“GC Food sẽ đóng vai trò vừa trực tiếp thực hiện sản xuất, chế biến sản phẩm đồng thời vừa liên kết với bà con nông dân tạo ra vùng trồng nguyên liệu số lượng lớn để đưa vào nhà máy sản xuất. GC Food cũng có thể bao tiêu sản phẩm bằng việc liên kết với các địa điểm, nhà bán hàng có uy tín và năng lực tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân”, ông Thứ nói thêm về mô hình.

Giải thích vì sao cần hình thành “chuỗi thực phẩm hạnh phúc” như trên, ông dẫn câu chuyện thực tế là nếu chỉ đơn thuần là đưa hàng vào siêu thị để bán thì sẽ phải tuân thủ “luật chơi” của bên bán hàng, tạo ra rất nhiều khó khăn và bất lợi cho người nông dân khi tiêu thụ sản phẩm. “Đó chính là lý do nhiều người cho rằng bán hàng trong siêu thị đôi khi còn bị lỗ. Nhưng tại sao lỗ mà vẫn muốn đưa hàng vào thì đó lại là sự vô lý của mối quan hệ kinh tế”, ông Thứ phân tích.

Trong khi đó, ngoài khó khăn trong khâu tiêu thụ, người nông dân còn thường gặp phải một rủi ro và mâu thuẫn trong các khâu là khi có đơn hàng thì không có nguyên liệu để sản xuất. Ngược lại, lúc có thừa nguyên liệu hoặc nguyên liệu dồi dào nhất thì lại không có đơn hàng.

“GC Food mong muốn trở thành đơn vị nắm được những thông tin tổng thể cả 3 khâu: trồng trọt – chế biến – tiêu thụ, qua đó có thể điều phối sản xuất một số mặt hàng nông sản, cân đối không để bị bất lợi về mặt thị trường hay bất lợi về mặt sản xuất, đảm bảo quyền lợi và sự liên kết của các bên”, Chủ tịch GC Food chia sẻ thêm về mục đích của chuỗi thực phẩm hạnh phúc.Theo ông Thứ, nếu xây dựng được mô hình “chuỗi thực phẩm hạnh phúc” như trên có thể giúp gạt bỏ tư tưởng tiêu cực rằng nhà máy luôn chèn ép người nông dân, từ đó tăng cường sự hợp tác đôi bên.

Trong khi đó, bên cạnh việc xây dựng chuỗi cung – ứng nông sản hài hòa và phát triển trong chính thị trường nội địa này, GC Food hiện còn là một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… với mặt hàng nổi tiếng từ cây nha đam.

Với kinh nghiệm xuất khẩu của mình, việc đảm bảo khâu sản xuất với vùng nguyên liệu cây nha đam bền vững được ông Thứ nhận định là tiền đề vững chắc để các doanh nghiệp nâng tầm nông sản Việt trên bản đồ quốc tế. Theo ông, đối với một khách hàng nước ngoài khi mua sản phẩm thì họ luôn muốn biết chắc chắn sản phẩm đã được kiểm soát theo tiêu chuẩn do cơ quan chứng nhận quốc tế công nhận.

“Do vậy, các doanh nghiệp cần có tư duy cởi mở, bước ra thế giới thông qua các năng lực chuyên môn về xuất khẩu và tăng cường kinh nghiệm thực tế tại các thị trường tiềm năng thông qua các hội chợ, triển lãm chứ không chỉ ngồi chờ thông tin từ các trang thương mại điện tử”, ông Thứ chia sẻ thêm về kinh nghiệm.

Trong số các mặt hàng nông sản của GC Food, nổi bật nhất là các sản phẩm từ cây nha đam. Bản thân doanh nhân Nguyễn Văn Thứ cũng được mệnh danh là “vua nha đam” vì có niềm đam mê đặc biệt với loại nông sản này.

Ông Thứ cho biết, nha đam là một loại nông sản lành tính, tốt cho sức khỏe và được trồng ở những vùng nông thôn khó khăn trên cả nước. Do vậy, GC Food muốn phát triển cây nha đam để giúp những người nông dân tại những khu vực này có thể tăng thu nhập, không chỉ bằng tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn hướng ra xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Doanh nhân Nguyễn Văn Thứ cũng cho biết, tên tuổi của GC Food cũng đã gắn với cây nha đam và được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế đón nhận. Một lý do ông được ông tiết lộ của thành công này là việc các sản phẩm từ cây nha đam mà GC Food xuất khẩu đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng, chủ yếu nhờ việc bà con nông dân cung cấp nguyên liệu loại cây này đã không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Cùng với đó, thị hiếu khách hàng thế giới như EU, Nhật Bản hiện khá ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như cây nha đam trong danh mục hóa mỹ phẩm, dược phẩm.

“Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư thêm vào các sản phẩm trong ngành hóa mỹ phẩm bởi hiện qua đánh giá, các thị trường quốc tế đều đã có sự quen thuộc với sản phẩm từ cây nha đam với hình ảnh cao cấp hơn. Đây là một thuận lợi trong việc xuất khẩu loại sản phẩm từ cây trồng này”, Chủ tịch GC Food chia sẻ thêm.

Trong năm 2021, GC Food đã mở rộng nhà máy sản xuất cũng như vùng trồng nguyên liệu cây nha đam. Do đó, trong năm 2022 này, công ty cho biết đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu gấp rưỡi so với năm ngoái, ước đạt trên 500 tỷ đồng.

GC Food hiện một trong những doanh nghiệp có quy mô sản xuất sản phẩm từ cây nha đam lớn nhất của Việt Nam. Để đạt được quy mô này là nhờ công ty có sản lượng nguyên liệu nha đam lớn nhất, sở hữu danh mục khách hàng quốc tế vào hàng lớn nhất cả nước trong lĩnh vực này. Các vùng nguyên liệu của GC Food có năng suất trung bình đạt 150 tấn lá nha đam/ngày.

Nguồn Phương Thảo / MekongAsean