Có ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có cơ chế để “hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ”, đồng thời đã “bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp” [2]. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích những điểm mới trong tổ chức và quản lý công ty cổ phần, đồng thời có một số đánh giá, bình luận về tính hiệu quả và sự phù hợp của những thay đổi này đối với thực tiễn hoạt động của các công ty cổ phần ở Việt Nam.

Những điểm mới cần lưu ý về tổ chức và quản lý công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật doanh nghiệp năm 2014

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 tại Điều 137, trừ trường hợp có quy định khác trong pháp luật về chứng khoán, công ty cổ phần ở Việt Nam có thể lựa chọn để tổ chức và hoạt động theo một trong hai mô hình như sau:

(1) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (sau đây gọi là mô hình thứ nhất).

(2) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (sau đây gọi là mô hình thứ hai). Với mô hình này, công ty cổ phần cần có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và phải thành lập Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Uỷ ban kiểm toán này sẽ có cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều lệ công ty hoặc theo quy chế hoạt động do Hội đồng quản trị ban hành.

Mô hình thứ nhất khác mô hình thứ hai chính là sự xuất hiện của Ban kiểm soát. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty cổ phần không bắt buộc phải có Ban kiểm soát nếu có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty. Như vậy, có thể thấy, Ban kiểm soát trong công ty cổ phần bắt buộc phải được thành lập trong các trường hợp sau đây:

Một là, công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên.

Hai là, công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông, có cổ đông là tổ chức và các cổ đông là tổ chức sở hữu từ 50% tổng số cổ phần của công ty trở lên.

Cũng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, [3] công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, cụ thể:

Một là, với trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì tuỳ theo quy định trong Điều lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hai là, với trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn có các quy định cụ thể về Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát v.v để công ty cổ phần có thể vận hành và hoạt động hiệu quả trên thực tế.

Về vấn đề tổ chức và quản lý công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có những điểm mới nhất định đáng ghi nhận. Ngoài những thay đổi để khắc phục các lỗi về hình thức (cách diễn đạt, ngữ pháp…), thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 có những điểm mới tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất là, thay đổi một số thuật ngữ để tránh nhầm lẫn và phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể:

Một là, với mô hình thứ hai của công ty cổ phần được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tên gọi “Uỷ ban kiểm toán” đã thay thế tên gọi “Ban kiểm toán nội bộ” nêu tại điểm b, khoản 1, Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Các lý do chủ yếu được đưa ra là: (i) tên gọi “Ban kiểm toán nội bộ” trực thuộc Hội đồng quản trị có thể gây nhầm lẫn với một cơ quan trùng tên nhưng lại trực thuộc Giám đốc hoặc Ban Giám đốc, mặc dù hai cơ quan cùng tên này hoàn toàn khác về địa vị pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến gây khó khăn trong thực tiễn tổ chức và quản lý công ty cổ phần; (ii) tên gọi “Uỷ ban kiểm toán” đã được nhiều công ty sử dụng để thay thế cho tên gọi “Ban kiểm toán nội bộ” trên thực tế; (iii) Sự thay thế bằng tên gọi mới là Uỷ ban kiểm toán sẽ phù hợp hơn với tên gọi phổ biến hiện nay và thông lệ quốc tế tốt, [4] hạn chế những nhầm lẫn, thúc đẩy một mô hình quản trị mới, hiện đại, phổ biến như mô hình thứ hai đã nêu ở trên [5].

Hai là, thay đổi thuật ngữ “cổ phần mới” tại điểm c, khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thành thuật ngữ “cổ phần chưa bán” tại điểm c, khoản 2, Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Thứ hai là, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và cơ quan trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần (thêm hoặc bớt) để đảm bảo sự đồng bộ và rõ ràng. Cụ thể:

Một là, bổ sung hoặc điều chỉnh các quyền cho Đại hội đồng cổ đông, cụ thể:

(i) Bổ sung các quyền quy định tại các điểm k, l, m của khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó, Đại hội đồng cổ đông có thêm các quyền:

– Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

– Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

– Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

(ii) Điều chỉnh và làm rõ hơn quyền của Đại hội đồng cổ đông trong việc miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, theo đó:

– Đối với trường hợp miễn nhiệm khi có đơn từ chức của một thành viên Hội đồng quản trị thì đơn đó cần có sự chấp thuận thay vì chỉ cần có đơn từ chức như quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014[6];

– Chuyển trường hợp thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 “không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng” thành trường hợp bị bãi miễn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 [7] trên cơ sở cân nhắc về tính nghiêm trọng của loại vi phạm này;

– Bổ sung thêm trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014), theo đó nếu xét thấy cần thiết, “Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị” ngoài các trường hợp miễn nhiệm và bãi miễn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 160 nói trên.

+ Làm rõ hơn thời điểm Hội đồng quản trị phải triệu họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các trường hợp khác (không phải là các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b Khoản 4 Điều 160 nói trên) [8].

Hai là, bổ sung thêm quyền cho Hội đồng quản trị, cụ thể:

(i) Bổ sung phạm vi quyền quyết định (không chỉ với hợp đồng mà còn giao dịch khác) cho Hội đồng quản trị tại điểm h, khoản 2, Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

(ii) Bổ sung và làm rõ thêm quyền quyết định “tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác” đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác theo quy định của Điều lệ công ty tại điểm i, khoản 2, Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay vì quy định chung như điểm i, khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quyết định “tiền lương và quyền lợi khác” của các chức danh quản lý nói trên;

(iii) Bổ sung thêm quyền ban hành loại văn bản là “quyết định” (ngoài loại văn bản là “nghị quyết” đã được nêu tại Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014) và quyền thông qua loại văn bản này của Hội đồng quản trị tại khoản 3, khoản 4 Điều 153 và các điều khoản khác liên quan trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Ba là, bổ sung thêm hạn chế tại khoản 2 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về việc Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần là doanh nghiệp Nhà nước không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc so với khoản 1 và khoản 2 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Bốn là, bổ sung quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong việc “triệu tập, chủ trì và làm chủ toạ” cuộc họp của Hội đồng quản trị tại điểm b, khoản 3, Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay vì chỉ “triệu tập và chủ toạ” cuộc họp của Hội đồng quản trị như quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Năm là, bổ sung các trường hợp bầu người thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị tại khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo đó trong trường hợp “Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị”.

Sáu là, làm rõ hơn vị trí thư ký công ty tại khoản 5 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó trong trường hợp cần thiết, “Hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm thư ký công ty” thay vì “Chủ tịch Hội đồng quản trị tuyển dụng thư ký công ty” như nêu tại khoản 5 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014, vì quyền này vốn thuộc về Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quy định như trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hai vị trí “thư ký công ty” (hỗ trợ công việc cho Hội đồng quản trị) và “thư ký riêng” (của Chủ tịch Hội đồng quản trị). Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng kết cấu lại các quyền và nghĩa vụ của thư ký công ty theo hướng tinh gọn, rõ ràng hơn và tránh bị lặp đi lặp lại [9].

Bảy là, làm rõ và bổ sung thêm tiêu chuẩn, điều kiện đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể: (i) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020; [10] (ii) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ; (iii) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.

Tám là, làm rõ và bổ sung thêm tiêu chuẩn, điều kiện và quyền của Ban kiểm soát trong công ty cổ phần, theo đó:

(i) Làm rõ hơn nguyên tắc miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng Ban kiểm soát là nguyên tắc đa số (không chỉ áp dụng đối với mỗi trường hợp bầu như quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014) [11];

(ii) Mở rộng các chuyên ngành đào tạo đối với một cá nhân để có thể đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban kiểm soát và Kiểm soát viên, cụ thể:

– Vị trí Trưởng Ban kiểm soát, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn, có thể “có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thay vì “phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty” như quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 [12];

– Vị trí Kiểm soát viên, ngoài các quy định sửa đổi theo hướng làm rõ hơn các tiêu chuẩn của Kiểm sát viên (như quy định tại điểm a, điểm c, điểm d Điều 169) thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm tiêu chuẩn về chuyên ngành đào tạo của Kiểm soát viên là “được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” (chưa có quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014) [13];

– Vị trí Kiểm soát viên của công ty đại chúng, của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 169, còn phải đáp ứng điều kiện “không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty” [14].

(iii) Bổ sung thêm quyền của Ban kiểm soát trong việc “rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông” được quy định tại khoản 3 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (chưa có quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Thứ ba là, tăng thêm quyền của cổ đông, tăng thêm cơ chế kiểm soát và làm rõ tính chịu trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong quản lý và điều hành hoạt động của công ty cổ phần nhằm hạn chế tình trạng “rũ bỏ” hoặc “trốn chạy” trách nhiệm khi có những vi phạm xảy ra, có căn cứ pháp lý rõ ràng cho các hoạt động khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán cũng như phù hợp với thông lệ quản trị tốt. Cụ thể:

Một là, bổ sung thêm quyền của cổ đông công ty được yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty tại khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong trường hợp này, nếu các văn bản nói trên được kết luận là có vi phạm và gây thiệt hại cho công ty thì “các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết, quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm”.

Hai là, làm rõ hơn các yêu cầu đối với Biên bản họp của Hội đồng quản trị và trường hợp các chủ thể liên quan từ chối ký biên bản họp. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã yêu cầu Biên bản họp của Hội đồng quản trị cần ghi rõ “vấn đề đã được thông qua và tỷ lệ biểu quyết thông qua tương ứng” [15]. Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng đã bổ sung khoản 2 Điều 158 về trường hợp từ chối ký biên bản (nội dung này chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014), cụ thể, trong trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp của Hội đồng quản trị nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 158 thì biên bản này có hiệu lực. Tương ứng với sự thay đổi này, tại khoản 3 Điều 158 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung ngoài chủ toạ và người ghi biên bản thì những người ký tên trong biên bản cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị. Đây là một sửa đổi rất đáng ghi nhận của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

Ba là, bổ sung và làm rõ trách nhiệm của người quản lý công ty tại Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo đó:

(i) Làm rõ hơn bằng việc quy định thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác không được “lạm dụng địa vị, chức vụ” để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác [16], thay vì cách quy định là “sử dụng địa vụ, chức vụ” như điểm c khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

(ii) Làm rõ hơn nội dung thông tin cần thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty (nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật Doanh nghiệp năm 2020) thay vì quy định chung chung như Luật Doanh nghiệp năm 2014 [17].

(iii) Thay cụm từ “nghĩa vụ” bằng cụm từ “trách nhiệm” và chuyển khoản 2 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thành điểm d khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho phù hợp với nội dung của điều khoản là quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty;

(iv) Bổ sung thêm khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (chưa được quy định rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp năm 2014) về việc thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác, nếu có sự vi phạm đối với quy định tại khoản 1 Điều 165 nói trên thì phải “chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba”.

Một số đánh giá, bình luận về Luật Doanh nghiệp năm 2020 với các quy định về tổ chức và quản lý công ty cổ phần

Các quy định về tổ chức và quản lý công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, về cơ bản, là giống với Luật Doanh nghiệp năm 2014 với một số sửa đổi, bổ sung như đã phân tích ở trên. Theo nhóm tác giả, những điểm mới này tương đối là phù hợp và sẽ tạo điều kiện cho mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam phát triển hơn, bởi lẽ:

Một là, những thay đổi này là phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam. Ví như, những điều chỉnh trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần, định danh cơ quan cho phù hợp để tránh nhầm lẫn, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, cơ quan trong công ty cổ phần để tránh chồng chéo hoặc không đúng thẩm quyền…

Hai là, những thay đổi này đã đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ hơn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 với các quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và quy định về doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi. Ví như, các quy định hạn chế đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc các công ty đại chúng hoặc doanh nghiệp nhà nước…

Ba là, những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty cổ phần trong tổ chức và quản lý doanh nghiệp. Ví như việc mở rộng tiêu chuẩn về chuyên ngành đào tạo đối với Trưởng Ban kiểm soát và Kiểm soát viên, vừa không làm thay đổi bản chất của các yêu cầu về chuyên môn đối với hai vị trí này mà còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thành lập Ban kiểm soát và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các cá nhân muốn đảm nhận những vị trí nói trên…

Bốn là, những thay đổi này phần nào phù hợp với thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp như các thông lệ trong Bộ nguyên tắc của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) với bốn giá trị cốt lõi là sự công bằng, tính trách nhiệm, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình [18], hay việc áp dụng từng bước các nguyên tắc trong Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất của Việt Nam [19] vào thực tiễn quản trị công ty cổ phần…

Năm là, hiệu quả của những điểm mới này cần có sự đánh giá cụ thể sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực và chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, một số quy định và thay đổi dường như có nhiều ý nghĩa hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước vốn được định nghĩa lại trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 chứ không phải dành cho tất cả các công ty cổ phần nói chung nên cần xem xét lại. [20] Ví như việc thay đổi tên gọi Uỷ ban hay là Ban, các quy định về nhiệm kỳ.

=======================

[1] Ngày 17 tháng 06 năm 2020, Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH1 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua với 10 chương và 218 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (sau đây gọi tắt là Luật Doanh nghiệp năm 2020)

[2] Xem TGVN (2020), https://baoquocte.vn/luat-doanh-nghiep-2020-5-thay-doi-quan-trong-giup-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-119198.html (truy cập lần cuối ngày 06/12/2021).

[3] Xem khoản 2, Điều 137, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[4] Tên tiếng Anh thường gọi là “Audit Committee”.

[5] Xem Bộ Kế hoạch – Đầu tư (2019), Bản thuyết minh chi tiết về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) (Kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 10 năm 2019), tr.41-42.

[6] Xem thêm điểm b khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điểm c khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[7] Xem thêm điểm a khoản 2 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điểm b khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[8] Xem thêm khoản 4 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khoản 3 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[9] Khoản 5 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ còn năm nội dung quy định từ điểm a đến điểm đ.

[10] Xem thêm khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[11] Xem thêm khoản 2 Điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khoản 2 Điều 163 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[12] Xem thêm khoản 2 Điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khoản 2 Điều 163 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[13] Xem thêm khoản 1 Điều 169 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khoản 1 Điều 164 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[14] Xem thêm khoản 2 Điều 169 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[15] Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đảo lại vị trí hai nội dung nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 của Điều 158 so với quy định tương ứng tại khoản 1 Điều 154 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[16] Xem điểm c, khoản 1, Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[17] Xem thêm điểm d khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điểm d khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[18] Xem thêm giới thiệu về Bộ nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp tại http://www.oecd.org/corporate/ (truy cập lần cuối ngày 06/12/2021).

[19] Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ Tốt nhất của Việt Nam ra đời vào tháng 8 năm 2019 là thành quả của sự hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO).

[20] Được định nghĩa tại khoản 11 Điều 4 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ THU HIỀN
Thạc sĩ LÊ HƯNG LONG
Giảng viên Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học UEH

NGUỒNlsvn.vn
Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn