TS. CHU THỊ HOA (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) – Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến sự ra đời của những ngành nghề kinh doanh mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số theo mô hình kinh tế chia sẻ (grab, p2p landing, airbnb,…). Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề mới này còn gặp phải nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại. Bài viết dưới đây đề cập đến việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển mô hình này ở Việt Nam.

  1. Quyền tự do kinh doanh trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong bản Hiến pháp năm 2013 đã có một bước tiến mới so với các bản Hiến pháp trước đây, cởi mở hơn với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33)[1]. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 còn có quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hàm ý chính sách ở đây có thể hiểu: Quyền tự do kinh doanh được tiếp cận theo hướng “tự do mở”, nghĩa là muốn cấm kinh doanh ngành nghề gì thì nhà nước phải quy định bằng luật. Như vậy tư duy lập pháp từ chỗ chỉ “tự do trong phạm vi đóng – được làm những gì pháp luật cho phép” đã chuyển sang “mở – được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”.

Tiếp theo, Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động, tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn về quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (khoản 2 Điều 51);“Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường” (Điều 53). Các quy định này có ý nghĩa khẳng định quyền tự do kinh doanh là một quyền hiến định và là quy định nền tảng cơ sở cho việc cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật về dân sự, kinh doanh, thương mại, nhất là ở các văn bản luật gốc, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp như Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật lao động năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Cạnh tranh năm 2019, Luật đất đai năm 2013,… Chẳng hạn:

Điều 50 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về quyền tự do kinh doanh như sau: “Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật”. Hai đạo luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (từ phiên bản năm 2014 cho đến phiên bản năm 2020) đều được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp.[2] Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép. Nhà nước chủ trương tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự, tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Các đạo luật về cạnh tranh, giải quyết tranh chấp về dân sự, đầu tư, kinh doanh và xử lý vi phạm được hoàn thiện một bước quan trọng,[3] bảo đảm tốt hơn quyền khởi kiện của người dân, doanh nghiệp.[4] Pháp luật về giải quyết tranh chấp được thiết kế theo hướng đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự tự do lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp của các bên có liên quan, đề cao việc thương lượng, hòa giải giữa các bên; đã thiết lập cơ chế để Toà án công nhận thoả thuận hoà giải thành cho những tranh chấp được giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải.[5] Hoạt động luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý của người dân và doanh nghiệp.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, quyền tự do kinh doanh được cụ thể qua một số nội dung cơ bản như sau:

– Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, kinh doanh đơn ngành hoặc đa ngành; trong trường hợp những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì được phép tiến hành sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó.

– Quyền tự do lựa chọn mô hình và quy mô kinh doanh: Được tự do quyết định mức vốn đầu tư, nhưng phải đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu kinh doanh một số ngành nghề nhất định như kinh doanh vàng, dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo vệ… Tùy thuộc vào số lượng người đầu tư, phương thức, cách thức huy động vốn đầu tư  mà người dân có thể chọn một mô hình kinh doanh phù hợp như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

– Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Tự do quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức huy động vốn thông qua hợp đồng vay hay thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

– Quyền tự do hợp đồng: Tự do lựa chọn khách hàng, tự do đàm phán, thỏa thuận, thống nhất các điều khoản của hợp đồng, tự do thỏa thuận hình thức hay nội dung của hợp đồng.

– Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp: Tự do quyết định cách thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hòa giải, tòa án hay trọng tài.

– Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh:Được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Những quy định quan trọng nói trên tạo nền tảng cho việc ghi nhận và bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh – thương mại, góp phần vào sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016;[6] Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc… Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể.[7] Dưới góc độ cạnh tranh, Báo cáo của OECD về luật và chính sách cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 đã khẳng định Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn trong quá trình chuyển đổi từ một nước đang phát triển có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trungsang nền kinh tế thị trường công nghiệp hóa nhanh chóng; những đợt cải cách thành công đã thu gọn quy mô khối doanh nghiệp nhà nước, cải thiện quản lý nhà nước và giảm được những bất hợp lý về cạnh tranh trên thị trường.[8] Dưới góc độ đầu tư, sau khi rà soát hệ thống pháp luật đầu tư của Việt Nam, OECD đã đánh giá các cải cách thể chế liên quan trong thời gian qua là bước tiến rất tích cực, được đánh giá cao bởi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.[9] Năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67). chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt chỉ số liên quan đến năng lực đội ngũ trí thức, Việt Nam xếp thứ 27. Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc. Điều này thể hiện qua kết quả hơn 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019.[10]

  1. Sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Mô hình và các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với các thành tựu phát triển của khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin thì mô hình kinh tế này mới có những bước phát triển đột phá, được coi là yếu tố cốt cõi của nền kinh tế số hiện nay. Kinh tế chia sẻ là một phương thức mới trong huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế bởi các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này chủ yếu khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng trên nền tảng công nghệ. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn, với một số mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như ứng dụng gọi xe Grab, Be, Go Việt, dịch vụ du lịch và khách sạn, dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb, Luxstay… Trong điều kiện của Việt Nam có thể hiểu “kinh tế chia sẻ” là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.[11]

Trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt những thành công đáng kể. Airbnb – dịch vụ chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, Uber – taxi cộng đồng, KickStarter – gọi vốn từ cộng đồng… là những cái tên đã không còn quá xa lạ và đã có chỗ đứng nhất định trong giới công nghệ. Tại Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ chưa thực sự bùng nổ nhưng việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Một khảo sát của Công ty Nielsen, trong hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ cho thấy, kinh tế chia sẻ đang bắt đầu khởi phát, mở rộng trong các lĩnh vực và Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn để phát triển mô hình này. Theo khảo sát của Nielsen, cứ bốn người Việt Nam được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này; 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ; chỉ có 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình[12].

Thực tế tại thị trường Việt Nam hiện nay, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước, nhưng mô hình kinh tế mới này cũng đã xuất hiện và có nhiều tiềm năng để phát triển. Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ: (1) Lĩnh vực vận tải với dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be v.v…); (2) Dịch vụ lưu trú, du lịch (như Airbnb, Travelmob, Luxstay); (3) Lĩnh vực tài chính với dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như chia sẻ không gian làm việc (coworking space), chia sẻ lao động và việc làm, v.v.[13]

– Trong lĩnh vực vận tải, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ đã huy động một số lượng lớn phương tiện vận tải (ô tô, xe máy) của cá nhân, đơn vị kinh doanh tham gia vào loại hình dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, Gojec, Dichung, Fastgo, Be). Trong 2 năm (tháng 01/2016 -01/2018), thực hiện Đề án Thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (Grab car), cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia[14]. Báo cáo nghiên cứu về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek Holdings, Bain&Co nhận định, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (200 triệu USD) và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025…[15]. Trong đó, đáng lưu ý là ngoài việc sử dụng phương tiện, tài sản nhà rỗi để đưa vào kinh doanh, có một tỷ lệ đáng kể là các phương tiện, tài sản được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

– Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, ước tính đến tháng 01/2019 đã huy động được khoảng 18.230 cơ sở lưu trú tham gia mô hình Airbnb và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng ở, phòng làm việc đăng ký ở các ứng dụng khác[16]. Đối với loại hình kinh tế chia sẻ kết hợp văn phòng-khách sạn, theo số liệu thống kê các dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, từ năm 2015 đến hết năm 2019 có khoảng trên 58.000 căn hộ Officetel đã được đầu tư xây dựng thuộc trên 130 dự án, trong đó có 60 dự án với trên 17.000 căn officetel và trên 70 dự án với khoảng trên 41.000 căn Condotel[17]. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn căn Condotel, officetel đã được đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định thiết kế cơ sở theo thẩm quyền. Tính riêng năm 2019, tổng số căn hộ Officetel tại các dự án được Bộ xây dựng thẩm định là 702 căn.[18]

– Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, loại hình Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT… qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech… Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam, trong số khoảng 100 công ty P2P lending đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…). Trong đó, có một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia…[19].

Những số liệu thống kê trên đây đã cho thấy, mặc dù mới phát triển ở thị trường Việt Nam, kinh tế chia sẻ đã có sự phát triển nhanh chóng. Với quy mô dân số Việt Nam năm 2019 là 96,2 triệu người, trong đó 68,8% dân số đang sử dụng điện thoại di động (tương đương 64 triệu người) và tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở mức cao trong khu vực, tỷ lệ lao động trẻ tuổi cao và thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng.[20]

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Động thái này thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội nhằm tối ưu hóa tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra nền tảng pháp lý, có sự hậu thuẫn của Nhà nước giúp cho các công ty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty truyền thống và công ty công nghệ. Điều quan trọng nhất trong phát triển của mô hình kinh tế này là mang lại lợi ích cuối cùng cho người dùng.[21]

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia – nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ. Nghị quyết số 52/NQ-TW cũng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”[22]. Ngày 17/3/2021, Bộ Tư pháp cũng có báo cáo số 45/BC-BTP rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ. Như vậy, phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với mô hình kinh tế chia sẻ là nhất quán ủng hộ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

  1. Thực hiện quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ

Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã quy định khá chi tiết về quyền tự do kinh doanh[23], đồng thời thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là khá tiềm năng để phát triển nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, trong nền kinh tế chia sẻ, việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh gặp phải một số vấn đề sau đây:

Một là, giữa “ghi nhận” quyền tự do kinh doanh và “bảo đảm thực thi” quyền này trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách.

– Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Về lý thuyết, công dân được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, nguyên tắc này không phải khi nào cũng được thực thi. Đặc biệt, trong nền kinh tế chia sẻ, những ngành nghề kinh doanh mới (không quen thuộc với cơ quan quản lý nhà nước) thì người dân gặp khó khăn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề này. Do một số loại hình không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh hoặc chưa xác định được ngành nghề kinh doanh, việc cấp giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ còn vướng mắc, gây ra nhiều tranh luận về việc có nên hay không bổ sung các quy định pháp luật về kinh tế chia sẻ. Trên thực tế, các mô hình kinh doanh mới được đăng ký vào ngành “dịch vụ khác” hoặc có thể sẽ không được đăng ký kinh doanh. Ví dụ, ngành nghề kinh doanh liên quan đến những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 như “tiền mã hóa”, “dịch vụ cho vay ngang hàng”… vẫn chưa đăng ký kinh doanh ở Việt Nam.

Nhìn sang các nước trong khu vực, ví dụ Singapore, từ tháng 5/2016, Văn phòng Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore về Fintech được thành lập để phục vụ toàn diện cho mọi vấn đề liên quan đến Fintech, thúc đẩy Singapore trở thành trung tâm Fintech của khu vực và thế giới. Tháng 12/2016 Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành Sandbox (Khung pháp lý thử nghiệm trong phạm vi hạn chế) cho phép các tổ chức tài chính cũng như phi tài chính được trải nghiệm các giải pháp Fintech trong môi trường thực tiễn có kiểm soát.[24] Ở Việt Nam, Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ/Ban/Ngành xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành Sandbox cho các ngành nghề kinh doanh mới trong nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay, Sandbox do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo (Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng) vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định.

– Về Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Về lý thuyết, cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp được tự do, chủ động quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức tăng vốn vay thông qua hợp đồng hay thông qua việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, các cách thức huy động vốn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ thì đang còn là khoảng trống. Một công ty khởi nghiệp sáng tạo nếu muốn huy động vốn qua các kênh thông thường, ví dụ, vay vốn ngân hàng sẽ rất khó thực hiện được. Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể cân nhắc các phương thức huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, hay gọi vốn qua phát hành tiền điện tử (ICO), qua sàn giao dịch (IEO), qua phát hành các dịch vụ mã thông báo chứng khoán (STO),…

Kể từ khi hoạt động ICO đầu tiên được thực hiện năm 2013, kênh huy động này đã giúp các startup huy động được hàng tỷ USD (riêng trong năm 2017 con số vốn huy động được thông qua ICO là hơn 4 tỷ USD[25]; tháng 8/2017, dự án Filecoin huy động được 252 triệu USD chỉ sau hơn 30 phút mặc dù chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư được chứng nhận, không mở cửa cho các nhà đầu tư đại trà, nhà đầu tư nhận được token Filecoin và sau đó có thể đổi sang các loại tiền tệ khác.[26] Năm 2018 đã có 1253 đợt ICOs với số vốn huy động được khoảng 8 tỷ USD[27]). Nếu như trong hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng – IPO (hoạt động thường được đem ra so sánh với ICO), công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và các nhà đầu tư sẽ được quyền sở hữu cổ phiếu của công ty, thì trong ICO nhà đầu tư sẽ nhận về đồng tiền kỹ thuật số được phát hành dựa trên ứng dụng blockchain. Đồng tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mã hóa) này cũng chính là loại tiền tệ được sử dụng trong dự án mà nhà đầu tư tài trợ, đồng thời nó còn có thể được giao dịch như một loại tài sản đầu cơ mà nhà đầu tư thường hi vọng đồng tiền số sẽ tăng giá khi dự án thành công. Điểm khác biệt lớn thứ hai giữa ICO và IPO là trong khi IPO chịu sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của Ủy ban chứng khoán thì sự kiểm soát dành cho ICO lại “lỏng lẻo” hơn[28]. Nếu trước khi IPO công ty phải công bố bản cáo bạch đã được kiểm toán thì các nhà phát hành trong ICO chỉ cần đưa ra “white paper” – bản báo cáo miêu tả tham vọng phát triển của dự án.[29]

Hiện này ở Việt Nam, các hình thức gọi vốn ICO, STO… hiện vẫn chưa được công nhận, trong khi đó, đây lại chính là những hình thức gọi vốn thông dụng đối với doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Hai là, tư duy quản không được hoặc chưa hiểu rõ thì “cấm” gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ

Hiện nay, việc các cá nhân, tổ chức đầu tư, sở hữu các loại tiền mã hóa như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ. Trong khi Ngân hàng nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền mã hóa, đồng thời cấm các tổ chức tín dụng sử dụng các loại tiền mã hóa như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng, thì trên thị trường tự do, người dân vẫn mua bán, đầu tư các loại tiền mã hóa trên một số sàn giao dịch.

Trên thực tế, các hoạt động đầu tư, giao dịch, và huy động vốn bằng tiền ảo vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Những hoạt động đầu tư này hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý của cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng lỗ hổng về pháp lý, tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để huy động vốn trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế – xã hội. Khi hàng loạt câu hỏi về việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hóa… vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam như hiện nay thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp… qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ.[30]

Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 9 tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện thí điểm dịch vụ ví điện tử (một hình thức của tiền ảo) bao gồm: MobiVi, VietUnion, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT-EPAY….[31] Ngày 27/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Đề án này, việc xây dựng khung pháp lý về tiền ảo sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp lý nào liên quan đến nội dung này được ban hành.

Ba là, tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chưa cao; phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy, chưa bắt kịp với những biến động của kinh tế thị trường, nhất là trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, cũng như việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chưa tạo được khung pháp lý tin cậy cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Năm 2019, Bảng xếp hạng của WEF xếp hạng 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột cho thấy, năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội, song vẫn còn nhiều thách thức. Chỉ số về Quy định pháp lý thích ứng linh hoạt với mô hình kinh doanh số còn thấp điểm và thấp hạng (43,1 điểm và ở vị trí 71).[32]

Tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam chưa cao có thể dẫn đến một hệ lụy là một số doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn khởi nghiệp ở các quốc gia khác trong khu vực, nơi mà thể chế cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo linh hoạt hơn. Doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, do đội ngũ người Việt sáng lập ra nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Singapore, là thực tế của nhiều startup hiện nay[33]. Hiện nay, với nhiều chính sách ưu đãi như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở sở tại, hệ sinh thái khởi nghiệp linh động với cơ chế cho phép áp dụng Sandbox, cơ hội gọi vốn và vươn ra thế giới dễ dàng hơn,.. Singapore đang trở thành điểm dừng chân của các startup ngoại, trong đó có Việt Nam.

  1. Tạm kết và một số đề xuất

Những phân tích trên đây cho thấy một vài điểm hạn chế trong pháp luật về quyền tự do kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh mới, khởi nghiệp sáng tạo cần phải được sớm hoàn thiện và được tổ chức thực hiện nghiêm minh để tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, an toàn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Hoàn thiện pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ để tận dụng các cơ hội do các cuộc Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra.

(i) Trước hết, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, … theo hướng tạo quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định cần được xây dựng trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những loại hình kinh doanh mới theo mô hình kinh tế chia sẻ mà chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh (ví dụ dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng P2P, …) cần khẩn trương bổ sung quy định thí điểm cấp phép cho các loại hình này đi vào hoạt động.[34]

(ii) Cần đồng bộ giữa ghi nhận quyền tự do kinh doanh và đảm bảo thực thi quyền, tránh tình trạngpháp luật ghi nhận quyền nhưng yếu về mặt đảm bảo cho các chủ thể thực thi quyền.

(iii) Tư duy lập pháp “mở’ và “linh động” để các “nhà làm chính sách”, các nhà lập pháp cùng “đồng hành” cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề “quản không được” hoặc chưa hiểu rõ thì cần hình thành cơ chế quản lý thử nghiệm (Sandbox).Thực hiện cơ chế khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; trong đó, lưu ý nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; quy định quản lý phải theo hướng hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường, rào cản đối với các starts-ups… để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý. Trong bối cảnh khung pháp lý thường đi sau thực tế, việc cho áp dụng thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) chính là phản ứng chính sách/cách ứng xử của cơ quan nhà nước đối với những công nghệ mới.

(iv) Thể chế về quyền tự do kinh doanh phải có phải có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm tạo sức hút, thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm Fintech của khu vực và thế giới.

Nguồn https://khpl.moj.gov.vn

Grab triển khai thử nghiệm dịch vụ thuê GrabBike tại thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: Đỗ Đạt

[1] Hiến pháp năm 1946: Chỉ ghi nhậnquyền tư hữu tài sản (Điều 12); toàn văn Hiến pháp không có điều nào quy định trực tiếp về quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế.

Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980: Tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước không được khuyến khích.

Hiến pháp năm 1992 (được sứa đổi bổ sung năm 2001): Bước đầu ghi nhận quyền tự do kinh doanh theo quan điểm “tự do đóng”, theo đó công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 57).

[2] Khoản 1, 2 Điều 5 Luật đầu tư năm 2014 khẳng định “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”, “Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;…”. Luật đầu tư năm 2020 tiếp tục tái khẳng định các quyền trên cũng tại Điều 5 “1. Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2. Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…”.

[3] Luật Cạnh tranh năm 2018, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[4] Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

[5] Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

[6] Trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc.

[7] Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về  tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Mục I).

[8] OECD (2018), OECD Peer Reviews of Competion Law and Policy: Vietnam, tr. 10.

[9] OECD (2018), OECD Investment Peer Reviews: Vietnam 2018, OECD Publishing, Paris, tr. 140.

[10]http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Moi-truong-kinh-doanh-nang-luc-canh-tranh-lien-tuc-tang-diem-thu-hang/383855.vgp truy cập ngày 26/10/2020

[11] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Chuyên đề Số 14: Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, tr. 4.

Xem thêm TS. Chu Thị Hoa “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số yêu cầu về xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghề luật, số 7/2019, tr. 24-31.

[12] Nguyễn Thị Loan,  Kinh tế chia sẻ, tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam. Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam-301322.html, truy cập ngày 10/6/2019.

[13] TS. Chu Thị Hoa “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số yêu cầu về xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghề luật số 7/2019, tr. 24-31.

[14] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh  tế, tr.5. Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=48375&idcm=140, truy cập ngày 03/2/2021.

[15]https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/sxBNLsQSLyY8/content/nhieu-van-e-phap-ly-can-hoan-thien-e-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-chia-se?_101_INSTANCE_sxBNLsQSLyY8_viewMode=view. Truy cập ngày 14/12/2020.

[16] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tlđd.

[17] Bộ Kế hoạch và đầu tư, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, tr.6. Nguồn: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=48375&idcm=140, truy cập ngày 03/2/2021.

[18] https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nguy-co-that-thu-thue-tu-cac-loai-hinh-kinh-te-chia-se-d17304.html. Truy cập ngày 14/12/2020.

[19]https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nguy-co-that-thu-thue-tu-cac-loai-hinh-kinh-te-chia-se-d17304.html. Truy cập ngày 14/12/2020..

[20] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tlđd.

[21] TS. Chu Thị Hoa, tlđd.

[22] Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

[23] Hiến pháp năm 2013 đã có một bước tiến mới so với các bản Hiến pháp trước đây, cởi mở hơn với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Khoản 1, 2 Điều 5 Luật đầu Đầu tư năm 2014 khẳng định “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”, “Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;…”. Luật đầu tư năm 2020 tiếp tục tái khẳng định các quyền trên cũng tại Điều 5 “1. Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2. Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…”.

[24] Xem thêm TS. Chu Thị Hoa & Onpun (2019), Sandbox: Cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế – kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí  Nghiên cứu Lập pháp, 2019, Số 15 (391), tr. 58-64 2019.

[25]10 vụ gọi vốn bằng tiền ảo lớn nhất năm 2017, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/10-vu-goi-von-bang-tien-ao-lon-nhat-nam-2017-133974.html. Truy cập ngày 03/2/2021.

[26] Giải mã các vụ ICO – nơi 1 startup có thể gọi vốn trăm triệu USD chỉ trong 30 phút, http://cafef.vn/giai-ma-cac-vu-ico-noi-1-startup-co-the-goi-von-tram-trieu-usd-chi-trong-30-phut-20170913142246471.chn. Truy cập ngày 03/2/2021.

[27] IEO, ICO, STO và bây giờ là IDO – Đâu là cách gọi vốn cho các công ty Crypto vào năm 2019?https://www.tapchibitcoin.vn/ieo-ico-sto-va-bay-gio-la-ido-dau-la-cach-goi-von-cho-cac-cong-ty-crypto-vao-nam-2019.html. Truy cập ngày 03/2/2021.

[28] Tháng 8/2017, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ đã thông báo hoạt động ICO nên được coi là hoạt động phát hành chứng khoán và do đó cần phải được kiểm soát chặt chẽ như hoạt động IPO. Riêng tại Singapore, hoạt động ICO sẽ được chia thành 02 loại, nếu là phát hành xu token dưới dạng chứng khoán thì sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán và quản lý ngoại hối; nếu là phát hành token tiện ích thì sẽ được hoạt động theo khung pháp lý thí điểm Sandbox.

[29] TS. Chu Thị Hoa, Fundraising through new channels – opportunities and legal challenges, Vietnam Law & Legal forum Vol.26-No.303/2019, tr. 20-24.

[30] TS. Chu Thị Hoa,Singapore với cơ chế pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế Sandbox,  https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2460Truy cập ngày 22/12/2020.

[31] https://kiemsat.vn/xay-dung-va-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-tien-ao-giai-phap-phong-ngua-toi-pham-lua-dao-theo-phuong-thuc-da-cap-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-4-0-57889.html Truy cập ngày 22/12/2020.

[32] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nang-luc-canh-tranh-toan-cau-40-cua-Viet-Nam-qua-tung-chi-so/377005.vgp. Truy cập ngày 22/12/2020.

[33] Startup Việt “chạy” sang Singapore khởi nghiệp: Nên mừng hay lo? http://cafebiz.vn/startup-viet-chay-sang-singapore-khoi-nghiep-nen-mung-hay-lo-20190414075401574.chn; truy cập 18/6/2019.

[34] TS. Chu Thị Hoa “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số yêu cầu về xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí nghề luật số 7/2019, tr. 24-31.

Nguồn Tạp Chí Tòa Án Nhân Dân

Chia sẻ
Theo dõi Doanh Chủ trên
Hãy gia nhập cộng đồng sáng tạo nội dung số trên Doanh Chủ.
Đăng ký mở tài khoản qua Hotline: 081 262 77 99 hoặc Email: info@doanhchu.vn