Thanh khoản gia tăng trong phiên giảm sâu cuối tuần qua cho thấy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới đang có phần lấn át. Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ gần tại quanh 1.410 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-INDEX tràn ngập trong sắc đỏ khi mức giảm điểm lên tới 38,72 điểm (-2,61%), đóng cửa tại 1443,32 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch đạt 1096 triệu cổ phiếu, tương ứng với 32,864 tỷ đồng. Hệ số tăng/giảm cho thấy sắc đỏ hoàn toàn chi phối với 415 mã giảm so với 61 mã tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn đầu đà giảm, trong VN30 chỉ có PDR (+0,1%) giữ được sắc xanh, ngoài ra đều suy giảm mạnh, cụ thể những mã giảm có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số chung bao gồm: SSI (-6,5%), GVR (-5,6%), VRE (-5,2%), BID (-5,0%), BVH (-4,6%), STB (-4,4%), POW (-4,2%), PLX (4,0%), PNJ (-3,5%), VPB (-3,5%), NVL (-2,9%), TCB (-2,9%), TPB (-2,9%)… Ở chiều hướng ngược lại, chỉ có một số mã tăng ngược dòng với thị trường chung, và hỗ trợ điểm số cho VN-INDEX bao gồm: PME (+6,9%), HDC (+5,7%), DHG (+7,0%), ROS (+7,0%), CRE (+4,2%)… Nhóm nhà đầu tư khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 400 tỷ đồng, tập trung vào các mã như VRE, DXG, HPG, VNM, NLG, VIC, GEX…

Nhìn chung, tâm lý thị trường tiếp tục suy yếu rõ rệt khi sắc đỏ bao phủ trên cả 3 sàn giao dịch với độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía mã giảm và biên độ giảm rất lớn. Điều này cho thấy tâm lý tiêu cực vẫn chi phối thị trường chung, đồng thời hoạt động chốt lời tiếp tục được đẩy mạnh khiến VN-INDEX có phiên bán mạnh nhất trong vòng 3 tháng trở lại. Tuy vậy, VN-INDEX suy giảm với không nhiều các thông tin rõ rệt, chủ yếu về biến thể Omicron mới đã xuất hiện tại Mỹ và Đông Nam Á gây hoang mang về khả năng lan rộng của chủng virus nhiều đột biến này. Với phiên giảm điểm này, tỷ lệ margin ở mức cao trong thị trường sẽ tiếp tục gây áp lực cho VN-INDEX có các phiên suy giảm trở về với nền giá hấp dẫn hơn.

Doanh Nhân Kết Nối lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 6/12.

Giai đoạn này phù hợp với chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn

CTCK Vietcombank (VCBS)

Vùng 1.430-1.440 điểm vẫn đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của VN-Index. Tuy nhiên, dòng tiền yếu và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm trong những tuần cuối năm trở nên “mong manh” hơn.

Thanh khoản từng phiên và cả tuần qua đều sụt giảm so với tuần trước, cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn kỳ vọng diễn biến của chỉ số trong một vài tuần tới sẽ dần ổn định và củng cố thêm nền tích lũy quanh vùng 1.440-1.450 điểm.

Mặc dù vậy, giai đoạn này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư theo chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn hơn là trường phái đầu tư dài hạn.

Mặt khác, chúng tôi cũng nhìn nhận rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN Index vượt 1.400 điểm.

Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực, trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2021.

Thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời

CTCK MB (MBS)

Phiên cuối tuần trước đã giảm mạnh nhất trong vòng 3,5 tháng đã xóa sạch thành quả một tháng vừa qua.

Độ rộng phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng, trong đó, nhóm vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh mẽ khi quay lại retest mức đỉnh cũ. Ở phiên 19 và 22/11 nhóm cổ phiếu này cũng chịu áp lực chốt lời nhưng đã nhanh chóng phục hồi với 8 phiên tăng liên tiếp sau đó.

Tuy vậy, bối cảnh hiện tại dòng tiền đang suy giảm, thanh khoản ở cả hai nhóm này trong phiên không còn cao như ở các phiên giảm sâu trước đó.

Do vậy, khả năng thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời ở 1 đến 1,5 phiên ở các phiên đầu tuần sau và dòng tiền sau đợt giảm này có khả năng sẽ quay lại nhóm cổ phiếu bluechips.

Mua lại một phần vị thế trading khi VN-Index về lại vùng hỗ trợ

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Thanh khoản gia tăng trong phiên giảm sâu cuối tuần qua cho thấy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong những phiên tới đang có phần lấn át.

Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ gần tại quanh 1.410 điểm, tương ứng với MA50 nên có thể kỳ vọng việc xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật tại đây.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể kê lệnh mua trở lại một phần vị thế trading khi VN-Index về lại vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng ưu tiên cho các cổ phiếu sẵn có trong danh mục.

Nếu có sự hồi phục trong phiên tiếp theo thì ưu tiên căn bán

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm đứng ngoài quan sát, sau khi đã khuyến nghị căn bán mạnh tại ngưỡng 1.500-1.510 điểm. Hiện tại, chúng ta nên hạn chế bắt đáy, thậm chí nếu có sự hồi phục trong phiên tiếp theo thì ưu tiên căn bán tiếp.

Chờ nhịp hồi phục để đánh giá lại trạng thái thị trường

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Sau vài phiên tăng bất thành và chưa có định hướng, VN-Index đã phá vỡ hỗ trợ 1.470 điểm và tạo xu thế tiêu cực ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ số cũng đã giảm nhanh về gần hỗ trợ 1.430-1435 điểm.

Theo quan điểm của chúng tôi, nhiều khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ tại vùng này và hồi phục kỹ thuật với vùng cản gần 1465 điểm.

Do vậy, nhà đầu nên tạm ngưng “bán tháo”, nếu danh mục không quá rủi ro và chờ nhịp hồi phục để đánh giá lại trạng thái thị trường và đưa ra hướng điều chỉnh danh mục cho hợp lý.

VN-Index sẽ nhanh chóng kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.440-1.450 điểm

CTCK BIDV (BSC)

Trong phiên cuối tuần trước, áp lực bán gần như áp đảo hoàn toàn khiến VN-Index giảm mạnh và đóng cửa giảm gần 40 điểm. Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với số mã giảm áp đảo số mã tăng, 16/19 ngành giảm điểm. Hai ngành duy nhất giữ được sắc xanh là y tế và truyền thông.

Thị trường giảm điểm mạnh xuống về ngưỡng hỗ trợ 1.443 điểm. Chỉ số VN-Index sẽ nhanh chóng kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.440-1.450 điểm trước khi hình thành xu hướng mới

Bản tin tổng hợp dùng tham khảo cho các nhà đầu tư.
Nguồn tổng hợp SSI, ASBS, VPS